Để đạt điểm cao kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Bích Thanh
Bích Thanh
27/05/2019 07:23 GMT+7

Cuối tuần này (ngày 2 - 3.6), khoảng 80.000 thí sinh tại TP.HCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 .

Với chỉ tiêu đã công bố, dự kiến sẽ có gần 20.000 thí sinh không có cơ hội học lớp 10 trường công lập. Vì vậy, kỳ thi là một thử thách để thí sinh thực hiện được nguyện vọng đã đặt ra.
Những lưu ý về cách làm bài 3 môn thi sẽ giúp ích cho thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi này.

Phân chia thời gian hợp lý làm bài môn toán

Thanh Niên Online đăng bài giải gợi ý các môn thi tuyển sinh lớp 10
Để đáp ứng sự quan tâm của thí sinh cũng như phụ huynh có con em thi vào lớp 10 tại Hà Nội và TP.HCM, ngay sau khi kết thúc mỗi môn thi, Báo Thanh Niên sẽ đăng bài giải gợi ý trên website của báo tại địa chỉ thanhnien.vn. Ngoài ra, bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ này để tham khảo những nhận xét của các giáo viên có kinh nghiệm về đề thi.
Với môn toán, giáo viên Đặng Hữu Trí (Tổ trưởng tổ toán, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1), cho hay đề thi gồm 8 câu, không nặng nề về kiến thức hàn lâm mà tăng cường kiến thức thực tế. Học sinh (HS) cần phải bình tĩnh, đọc kỹ từng câu trong đề. Tốt nhất là nên chia giai đoạn để làm bài: Lấy chắc điểm của 3 câu đầu, đáp ứng thêm ý a, b của câu 8 (hình học cơ bản thuần túy), sau đó cố gắng các phần còn lại.
Ở phần giải phương trình, HS phải nắm được kỹ năng đọc đề bởi đôi khi đề sẽ có khúc mào đầu, HS cần xác định được trọng tâm, chọn lọc kiến thức để xây dựng nên phương trình, hệ phương trình. Vẽ đồ thị là phần khá quen thuộc, kiến thức chỉ ở dạng thông hiểu nên bắt buộc HS phải lấy được điểm.
Ngoài ra, hệ thức Viet là phần kiến thức rất dễ lấy điểm, HS chỉ cần nắm vững công thức. Các bài toán thực tế có thể cho dưới dạng: công thức, giá trị cụ thể, yêu cầu HS thay thế vào để tìm ra giá trị còn lại hoặc cho lời văn, HS giải bằng cách tìm ra được phương trình, hệ phương trình để giải. Đây là dạng toán mà đa phần học sinh sẽ sợ vì đề thường dài. Tuy nhiên với dạng này, HS lưu ý rằng kiến thức giải bài vẫn là kỹ năng toán thuần túy. Đề sẽ cho sẵn công thức của những môn học khác, HS phải có kỹ năng để biết vận dụng công thức đó như thế nào.
Ở phần chứng minh hình học, trước tiên yêu cầu HS phải nắm được kỹ năng vẽ hình, đây là kỹ năng mà học sinh còn yếu. Do đó, cần phải luyện kỹ năng vẽ hình, đặc biệt là các loại đường quen thuộc như đường cao, đường phân giác, đường trung tuyến.

Nắm vững kỹ năng làm bài môn ngữ văn


Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên ngữ văn Sở GD- ĐT TP.HCM, hướng dẫn khi làm các câu hỏi đọc hiểu, HS cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung; trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Tránh lan man, dài dòng không cần thiết.
Ở phần nghị luận xã hội (viết bài văn khoảng 1 trang giấy thi), HS cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài. Cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, HS cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Để làm tốt câu nghị luận văn học, ông Thành khuyên HS cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này. Tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc.
Ngoài ra, ông Thành cũng chỉ ra một số nguyên nhân ảnh hưởng đến bài làm như: HS phân bố thời gian không hợp lý cho các phần, câu. Đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời dài dòng, thừa ý. Không nắm vững các kỹ năng làm bài, thao tác lập luận và trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc. Bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về một ý, dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài).

Chú ý trau dồi từ vựng môn ngoại ngữ

Ông Trần Đình Nguyên Lữ, chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cấu trúc đề thi 2019 sẽ không thay đổi so với đề thi 2018. Tuy nhiên, phần nội dung sẽ tăng cường hơn nữa các yếu tố mang tính thực tiễn liên quan đến chủ đề, chủ điểm có trong chương trình học. Học sinh sẽ vận dụng kiến thức được học để hiểu đúng và sử dụng tiếng Anh chính xác trong các tình huống thực tế gần gũi, phù hợp tâm lý lứa tuổi.
Để làm bài thi tốt, HS cần chú ý trau dồi từ vựng. Các em cũng cần liên hệ bài học với thực tế cuộc sống để trang bị cho mình ý tưởng và từ ngữ. Kiến thức ngữ pháp sẽ không được đặt quá nặng trong đề thi.
 
Những lưu ý cho kỳ thi
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng GD (Sở GD-ĐT TP.HCM), lưu ý: Thí sinh (TS) sẽ lần lượt dự thi các môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán và môn chuyên (nếu đăng ký nguyện vọng vào trường, lớp chuyên). Về thời gian, trong quy chế thi có quy định buổi thi đầu tiên, TS có mặt tại điểm thi trước giờ phát đề 60 phút; các buổi thi sau, TS có mặt trước 30 phút. Tất cả trường hợp đến chậm quá 15 phút (TS có mặt tại cổng điểm thi) sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, sẽ không được dự thi. TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.