Ban hành cẩu thả, hủy đột ngột
Tháng 12.2018, Sở GD-ĐT Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT quy định tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 có điểm mới là học sinh (HS) THCS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày thi (2.6.2019) được miễn thi môn ngoại ngữ (hệ số 1).
tin liên quan
Tuyển sinh lớp 10 Đà Nẵng: Bỏ thi môn ngoại ngữTuy nhiên, ngày 16.5, Sở GD-ĐT Đà Nẵng chính thức ban hành quyết định mới về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, trong đó, “HS thi vào lớp 10 chỉ thi 2 môn ngữ văn và toán. Do không thi môn ngoại ngữ nên không áp dụng quy đổi điểm đối với các chứng chỉ ngoại ngữ”.
Lý do được ngành giáo dục Đà Nẵng đưa ra là “qua thực tế triển khai công tác tuyển sinh và rà soát quy trình ban hành các văn bản theo quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhận thấy việc ban hành Quyết định số 2377 có một số vấn đề vướng mắc chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng về việc hoàn chỉnh quy định tuyển sinh” và “nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình về cách quy đổi điểm và cộng điểm ưu đãi”.
Theo lý giải của lãnh đạo sở với báo chí, việc thực hiện quy trình ban hành quy định này có một số thiếu sót, trong đó có những nội dung trái với quy định tại Thông tư 05, ngày 28.2.2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Nếu Đà Nẵng vẫn áp dụng Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT thì làm sai quy định của Bộ GD-ĐT trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020, có nguy cơ phải hủy kết quả thi và tổ chức thi lại.
|
Quyết định gây bất nhất trong chiến lược chuyên môn
|
Trao đổi về khung quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm 9, 10 được ngành giáo dục Đà Nẵng đưa ra trước đó, TS Hòa khẳng định những quy đổi từ khung trình độ quốc tế đó hoàn toàn xứng đáng đạt điểm 9, 10 trong chương trình tiếng Anh phổ thông.
“Vấn đề là phải quản lý tốt chất lượng đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế. Đừng để chỉ vài trường hợp sai phạm hoặc quản lý không được lại đi hủy cả chiến lược quốc gia và đề án phát triển ngoại ngữ trong dạy và học của thành phố”, TS Hòa nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhận định: “Đây là phương án tối ưu mà Đà Nẵng lựa chọn ở thời điểm này, sau khi đã cân nhắc và đưa ra nhiều phương án. Chọn phương án này là có sự tham gia quyết định của Ban Cán sự Đảng UBND TP.Đà Nẵng”.
Phụ huynh và học sinh hoang mang
|
P.B.Duy (HS lớp 9, ngụ Q.Hải Châu) thực sự hoang mang, căng thẳng. Là HS giỏi tiếng Anh, sở hữu chứng chỉ quốc tế để quy đổi điểm trong kỳ thi lớp 10 nhưng từ tự tin, Duy chuyển sang hụt hẫng. “Nếu việc quy đổi điểm có vấn đề, có thể bỏ và thi như các năm. Em tự tin bước vào kỳ thi bằng năng lực của mình để có sự cạnh tranh công bằng”, Duy nói.
Việc bỏ hẳn một trong 3 môn thi, khi mà chỉ còn 2 tuần nữa là bước vào kỳ thi, theo chị P.Đ.Quyên, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, là “tác động quá lớn đến HS”. Các HS giỏi ngoại ngữ sẽ không có cơ hội thể hiện điểm mạnh của mình trong kỳ thi tuyển vào lớp 10, có nguy cơ bị rớt oan.
Các phụ huynh có con em đang tập trung học ngoại ngữ đều bất bình với quyết định đột ngột trên. “Sở GD-ĐT Đà Nẵng phải có trách nhiệm thông báo từ đầu năm học để HS cân nhắc thời gian ôn luyện cho các môn chứ không phải sát giờ thi thì thay đổi xoành xoạch như vậy”, một phụ huynh bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ hẳn môn ngoại ngữ là “khỏa lấp” cho quy định quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được đưa ra trước đó, do không quản lý được chất lượng các cuộc thi lấy chứng chỉ quốc tế.
“Dù lý do gì thì giờ người lãnh đủ cú “sốc” này chính là HS. Không thể từ cái sai thứ nhất ở quy trình ban hành văn bản, cẩu thả và bất cập trong quản lý chứng chỉ quốc tế, dẫn đến cái sai thứ hai là hủy đi môn thi ngay trước kỳ thi tuyển quan trọng”, chị N.L, một giáo viên tiếng Anh tại Đà Nẵng, bày tỏ.
Quy định của Bộ GD-ĐT không cấm xét chứng chỉ ngoại ngữ
Chiều 16.5, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT hiện hành nêu rõ việc phân cấp quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh THPT cho các địa phương.
Theo đó, các sở GD-ĐT lập kế hoạch tuyển sinh trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Quy chế của Bộ chỉ nêu ra 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT và các địa phương được quyền lựa chọn 1 trong 3 phương thức như sau: thứ nhất là xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh; thứ hai là phương thức thi tuyển; thứ ba là phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Riêng đối với những địa phương chọn phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển cần có thêm các nội dung như: môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm…
Như vậy, việc địa phương cho phép quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm thi là thuộc thẩm quyền của các địa phương căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương mình. Có thể hiểu đây là một hình thức xét tuyển.
Tuệ Nguyễn
|
Bình luận (0)