Đe dọa giết người sẽ bị xử lý hình sự

20/09/2017 18:00 GMT+7

Cơ quan công an có thể khởi tố tội 'đe dọa giết người' mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của người bị hại.

Như Thanh Niên đã thông tin, đầu tháng 9.2017, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi đe dọa giết cả gia đình nên ông báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ.
Trong chiều 17.9, ông Đoàn Ngọc Hải nhận cuộc gọi của một người đàn ông (không xưng tên) xin lỗi ông, vì trước đó đã nhắn tin, gọi điện dọa giết. Ông Hải đồng ý bỏ qua cho trường hợp này và đề nghị Công an Q.1 không điều tra, truy cứu trách nhiệm nữa.
Loại tội phạm này khó chứng minh
Liên quan đến hành vi đe dọa giết người, LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi này là vi phạm pháp luật.
“Theo Điều 103 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 thì người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Theo điểm b khoản 2 Điều 103 BLHS 1999 thì nếu phạm tội thuộc trường hợp “đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”, LS Chánh phân tích.
LS Chánh cho rằng trên thực tế, với loại tội phạm này rất khó chứng minh tội phạm. Bởi, người thực hiện hành vi phạm tội thường có nhiều biện pháp che dấu như dùng sim rác hay hành vi đe dọa bằng miệng, khó chứng minh “sự tồn tại”.
Còn LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, theo quy định của pháp luật, hành vi đe dọa sẽ giết người tùy từng mức độ để bị xử lý. Theo đó, trường hợp chỉ nhắn tin, gọi điện dọa giết, trường hợp chỉ nhắn tin, gọi điện đe dọa thông thường mà không có căn cứ làm người bị đe dọa lo sợ rằng người đó sẽ thực hiện việc giết người thì sẽ không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
“Như vậy, nếu nhắn tin, gọi điện đe dọa thông thường, không có căn cứ làm cho nạn nhân tin rằng người đe dọa sẽ thực hiện hành vi giết người thì người đe dọa sẽ bị phạt tiền với mức trên”, LS Công cho biết.
LS Công phân tích, trong trường hợp nhắn tin, gọi điện đe dọa giết người có kết hợp cùng với các hành động khác làm cho người bị đe dọa có căn cứ lo sợ rằng người đe dọa sẽ thực hiện việc giết người thì sẽ thỏa mãn cấu thành tội "đe dọa giết người" được quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009).
LS Công nói thêm hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội khi hành vi đó làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lí như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa.
Nếu việc đe dọa thỏa mãn điều kiện nêu trên thì người đe dọa có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Trường hợp việc đe dọa giết người thuộc một trong các trường hợp tăng nặng thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo Khoản 2 Điều 103 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị hại rút đơn vẫn xử lý hình sự
Theo LS Công, trường hợp người bị dọa giết bãi nại thì theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì những vụ án về các tội phạm khoản 1 điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự năm 1999 được quy định chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
“Như vậy chỉ có các vụ án về các tội phạm quy định tại khoản 1 điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự năm 1999 thì mới khởi tố và đình chỉ theo yêu cầu của người bị hại. Các trường hợp khác việc có đơn đề nghị không xử lý hình sự từ người bị hại không phải là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án", LS Công lý giải.
“Tội 'đe dọa giết người' theo Điều 103 Bộ luật hình sự 1999 không thuộc các trường hợp nêu trên do vậy vụ án vẫn sẽ được khởi tố mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của người bị hại, và kể cả có đơn đề nghị không xử lý hình sự từ người bị hại thì cũng không đình chỉ vụ án mà vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, việc có đơn đề nghị không xử lý hình sự từ người bị hại có thể là căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi lượng hình”, LS Công khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.