Vào thời cực thịnh, đi khắp các khu du lịch, du thuyền, nhà hàng, hầu như đều có đờn ca tài tử (ĐCTT) thường trực. Không ít nơi, xây dựng cả sân khấu phục vụ du khách, các nghệ nhân đờn, ca sống khỏe, có thu nhập để làm nghề. Thấy vậy, nhiều bạn trẻ "tầm sư học đạo", trong các lò, những mong sẽ khởi nghiệp từ ngón đờn, lời ca. Nhưng rồi, không gian du lịch tắt dần tiếng ĐCTT, chỉ thỉnh thoảng vài nghệ nhân nữ trẻ, được gọi đi ca lẻ trong các phòng tiệc, tum nhà vườn, còn nghệ nhân nam thì "ế". Mấy ông thầy đờn cũng thất nghiệp luôn.
Thực trạng buồn, do đâu?
Phong trào ĐCTT "xẹp" xuống, khiến cho những ai tâm huyết với công việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc, dân gian đặc trưng Nam bộ hết sức lo lắng.
Điều buồn nhất là sự biến dạng, biến tướng của dịch vụ này. Bởi nói ĐCTT, nhưng thực tế không có chương trình chính thống, thực khách chỉ yêu cầu ca bài vọng cổ hoặc ca tân nhạc. Lúc nào thực khách nổi hứng, các nữ nghệ nhân phải chiều theo, giao lưu qua song ca Dòng sông quê em, Chợ mới, thậm chí diễn luôn trích đoạn cải lương Nửa đời hương phấn, Người tình trên chiến trận... Đến lúc này, mạnh ai nấy ca; đờn không cần đúng bài bản, nhịp nhàng.
Trước thực trạng xuống cấp của hoạt động ĐCTT, cơ quan văn hóa nhà nước cũng chỉ hỗ trợ bằng cách mở lớp, hay tổ chức các cuộc thi cử. Tại TP.Cần Thơ, hằng tuần nhà nước tổ chức ĐCTT trên một du thuyền nhỏ, tại chợ nổi Cái Răng, hay trình diễn trên cầu Đi bộ - bến Ninh Kiều, nhưng xem ra không mấy hiệu quả giữa không khí tàu, ghe nổ máy, dòng người đi lại tấp nập.
Thời điểm năm 2023, tại Cần Thơ gần như chỉ còn điểm ĐCTT thường trực tại làng du lịch Mỹ Khánh, lại luôn "ế" khách. Các tỉnh miền Tây cũng giống như thực trạng ở Cần Thơ. Điều đáng báo động là số nghệ nhân đờn, ca chán nản bỏ nghề ngày càng nhiều. Quá hiếm người trẻ chịu đến với ĐCTT.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Trong các khảo sát, xây dựng đề án bảo tồn, phát huy ĐCTT (giai đoạn 2015 - 2020; 2022 - 2025) của các tỉnh, thành Nam bộ, đều ghi nhận chung về các mặt hạn chế: Nghệ nhân ngày càng cao tuổi, lớp trẻ kế thừa càng ít đi. Hoạt động ĐCTT chỉ thu hẹp lại trong các câu lạc bộ sở thích, chờ tới dịp thi cử mới đăng ký tham gia. Ngay trong các cuộc thi cử, số thí sinh, ban tổ chức và giám khảo đông hơn khán giả.
Hỏi một vài chủ nhân nhà hàng, du thuyền, khu du lịch: "Vì sao bỏ chương trình ĐCTT?". Họ bảo: "Không có ai xem". Ở một số tụ điểm, khán giả đang xem nửa chừng thì bỏ đi. Tìm hiểu, người ta nói "Tưởng như diễn cải lương, có đào có kép. Đằng này chỉ có đờn, ca lẻ hoài buồn muốn chết"!
Thật vậy, từ cội nguồn, ĐCTT vốn là lối chơi thính phòng, chủ yếu để "nghe", theo lối "tri kỷ, tri âm" của một nhóm sở thích, chứ không phải để "xem". Xưa nay người ta thường rủ nhau đi "coi hát cải lương", không phải đi "coi ĐCTT"! Do đó, khi đưa lên sân khấu phải được "sân khấu hóa", lên truyền hình phải "truyền hình hóa". Đặc biệt, để bước vào không gian du lịch, ĐCTT cần có cách thể hiện như một "sản phẩm du lịch" thật sự.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, điểm hạn chế cốt tử nhất của hoạt động ĐCTT trong không gian du lịch thời gian qua, chính là kém hấp dẫn! Đa số khán giả trong khu du lịch là du khách phổ thông, họ cần thưởng thức ĐCTT theo lối giải trí, chứ không phải để nghiên cứu, hay để khám phá "chân lý". Trong khi các chương trình ĐCTT thường thấy, cấu trúc kiểu truyền thống; phải đờn, ca đủ 3 bài nam, 6 bài bắc, 4 bài oán và 7 bài lễ (20 bài bản tổ), nội dung lại nặng phần "giáo dục truyền thống", "cổ động tuyên truyền"; chưa kể có nhiều bài mang tiết tấu quá bi lụy. Chương trình vừa dài, vừa nặng nề, khô khan, sầu não hỏi sao khán giả không quay lưng?
Cần đầu tư bài bản
Trong suốt nhiều năm qua, ĐCTT trong không gian du lịch còn ở dạng "sản phẩm thô", nên kém sức thu hút. Thế nên, để ĐCTT thật sự là sản phẩm du lịch hoàn thiện, còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, cần thống nhất quan điểm: ĐCTT phải hấp dẫn, dễ tiếp cận. Đặc biệt là phải mang được yếu tố "xem", bên cạnh "nghe". Cấu trúc chương trình ĐCTT theo một kịch bản, câu chuyện có đầu, đuôi, có cao trào, có yếu tố biểu diễn; đồng thời, có bàn tay sắp xếp của đạo diễn ở một chừng mực.
Để có kịch bản tốt thì hàm lượng văn chương sân khấu phải tăng lên. Đôi khi các nghệ nhân ca phải vào vai, nhập vai và "khóc cười" trên sàn diễn mới chạm vào được cảm xúc khán giả. Trong các hình thức thể hiện ĐCTT truyền thống, loại hình "ca ra bộ" mang tính sân khấu rõ nét, sao ta không vận dụng, làm mới? Bằng các sáng tác phản ánh cuộc sống đương đại, mang nội dung trữ tình, nhẹ nhàng sẽ dễ đi vào lòng người. Để phù hợp không khí du lịch, hãy chọn những bài bản thiên về tính hào hùng, vui tươi mang hơi điệu bắc. Ngoài ra, cũng cần thêm ít "hoa, lá, cành", cảnh trí, trang phục, hóa trang, điểm trang để tăng yếu tố xem. Trong chương trình, rất cần sự dẫn dắt, lý giải tính năng từng nhạc cụ, cái hay đặc trưng của các hơi, điệu, giúp người xem hòa nhập vào cuộc chơi tao nhã; đồng thời, sẵn sàng mời du khách giao lưu, khi họ có hứng thú.
Để vừa lòng du khách, sản phẩm ĐCTT phải được xem là "món ngon, bổ dưỡng tinh thần", bên cạnh đặc sản vật chất. Làm sao để du khách xem, nghe các tiết mục ĐCTT cảm thấy lạ lẫm, thú vị, thỏa mãn thị hiếu. Đây cũng là cách làm cho không gian du lịch gia tăng giá trị hàm lượng văn hóa.
Một sảnh lớn ở nhà hàng, có ánh đèn sân khấu lung linh, huyền ảo, trăng thanh, gió mát trữ tình. Một sân vườn du lịch, dù trưa nắng, nhưng đã có cây xanh, bông trái trong khung cảnh bình yên. Một ghe thương hồ đang đêm bỏ neo trên chợ nổi, sau giờ mua bán… Tất cả cùng hòa điệu trong không gian du lịch. Mỗi bối cảnh diễn ra ĐCTT đều mang tính riêng biệt, đặc thù. Ở đó, các nghệ nhân, thương hồ sẽ trổ tài, giao lưu thân thiện cùng du khách trên tinh thần "tri âm, tri kỷ".
Sáng tạo, làm mới phong cách ĐCTT sẽ vừa đảm bảo giữ được giá trị gốc, vừa tạo nên chỗ đứng vững vàng cho loại hình này, trong không gian du lịch. Đây chính là sự góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ĐCTT. Có vậy, mới thu hút giới trẻ trở lại với sân chơi âm nhạc dân gian truyền thống; và nghệ nhân thêm hứng thú làm nghề, sống được với nghề.
Tất nhiên, để đạt được sự thành công, còn nhiều việc phải làm, nhất là vai trò "bà đỡ" của cơ quan văn hóa nhà nước, cùng tâm huyết của các doanh nghiệp du lịch. Trước mắt, rất mong một đề án tổ chức hoạt động, chuyên về ĐCTT, trong không gian du lịch sẽ sớm tiến hành.
Bình luận (0)