Lan tỏa di sản Đờn ca tài tử Nam bộ

Đình Tuyển
Đình Tuyển
11/04/2022 06:36 GMT+7

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật và trao truyền mà còn lan tỏa sức sống của di sản văn hóa vô giá đã được ông cha để lại cho vùng đất phương Nam.

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 năm 2022 diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 7 - 11.4, do Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND TP.Cần Thơ tổ chức. Sau gần một tuần khai diễn, liên hoan thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Cần Thơ cũng như người dân miền Tây với những chương trình đặc sắc đến từ 21 tỉnh, thành phía Nam.

Giao lưu tài tử với người mộ điệu

Buổi tối tại quảng trường Bình Thủy (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), 21 không gian đờn ca tài tử của các tỉnh, thành luôn tấp nập người tham quan, giao lưu. Ngồi mê mẩn nghe các tài tử biểu diễn, ông Nguyễn Ngọc Thuận (ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng lên đây nghe và hát giao lưu với các đoàn, gặp gỡ tài tử ở khắp nơi. Nhờ đó mà tôi học hỏi được nhiều điều hay”.

Em Trịnh Ngọc Thúy Nga, 15 tuổi, đoàn TP.HCM và em gái Trịnh Ngọc Thúy Ngân, 9 tuổi (bìa phải), tham gia biểu diễn tại Không gian đờn ca tài tử

L.T

Cũng có mặt tại liên hoan mấy ngày qua, bà Ngọc Mai, một người mộ điệu ở Q.Bình Thủy, nói: “Rất khó để người dân có những dịp hát giao lưu, thỏa niềm đam mê như ở liên hoan lần này. Ai cũng thích thú giao lưu vì mỗi không gian đờn ca tài tử lại có những nét riêng của địa phương và quy tụ những người giỏi nhất”.

Lời ca, tiếng hát, ngón đờn điêu luyện của các nghệ nhân càng lôi cuốn khi được trình diễn trong những không gian tái hiện nét riêng ở từng địa phương. Cần Thơ tái dựng nhà cổ Bình Thủy độc đáo; Ninh Thuận với vườn nho đẹp mắt; Vĩnh Long với nhà tranh mái lá và cây bưởi da xanh; Long An với những nhạc cụ truyền thống…

Chương trình đặc sắc nhất tại liên hoan chính là Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử với sự tham gia của 500 tài tử đến từ 21 tỉnh, thành phía Nam. Hội thi đã mang đến cho người mộ điệu những bài bản tổ, ca ra bộ, vọng cổ, hòa tấu đờn… phong phú, chất lượng. Đặc biệt, sự đầu tư chu đáo của các đoàn về nội dung, bối cảnh, trang phục, đạo cụ đã tạo nên những hương sắc riêng của từng địa phương. Chủ nhà Cần Thơ với chương trình Cần Thơ hòa điệu phương Nam biến hóa sân khấu thành chợ nổi với những ghe xuồng chở hoa, nông sản, cây bẹo đặc trưng; đoàn Đồng Tháp nổi bật với hình tượng sen hồng...

Sức sống mới của đờn ca tài tử

NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc - Nhạc viện TP.HCM, Trưởng ban Giám khảo Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử, cho biết điều đặc biệt ở Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần 3 là thu hút sự tham gia của nhiều tài tử trẻ, có em mới học lớp 2. “Điều đó cho thấy những đề án góp phần bảo tồn, phát huy, truyền nghề đờn ca tài tử trong thế hệ trẻ ở các địa phương đang từng bước gặt hái thành công”, ông Khải nhận định.

Liên hoan Đờn ca tài tử lần 3 thu hút rất đông người trẻ tham gia

Đình Tuyển

Lực lượng trẻ kế thừa tại liên hoan đã thực sự mang lại sức sống mới cho đờn ca tài tử. Ở hội thi, khán giả, người mộ điệu không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến bé Như Ý (9 tuổi, của đoàn Cần Thơ) tham gia tiết mục ca ra bộ Anh Hai tài tử cùng Nghệ nhân ưu tú Trường Út và Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng; hay các em Diễm My (13 tuổi, của đoàn Tây Ninh), Lâm Gia Hưng (14 tuổi, của đoàn Đồng Tháp), Trịnh Ngọc Thúy Nga (15 tuổi, của đoàn TP.HCM)…

Đặc biệt, đoàn Bình Phước bên cạnh ban đờn chính thức còn có một ban đờn phụ gồm 6 em ở độ tuổi từ 10 - 17 với các nhạc cụ như guitar, đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn bầu, đờn tứ, các tài tử rất trẻ đã hòa đờn cho các tiết mục thi diễn một cách tự tin, chuyên nghiệp. Ngón đờn tự tin, giọng ca trong trẻo nhưng chắc nhịp cùng sự phối hợp ăn ý với bạn diễn của các tài tử nhỏ tuổi đã mang đến làn gió mới, sự tươi trẻ cho hội thi và liên hoan.

Có thể nói, qua trao truyền nghề từ thế hệ này đến thế hệ khác, những “lò” đào tạo gia đình vẫn là trụ cột, môi trường căn bản nhất để chăm bồi những tài tử. Nhờ vậy, phong trào đờn ca tài tử vẫn được duy trì và phát triển.

Theo soạn giả Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu về đờn ca tài tử, sức sống của đờn ca tài tử luôn mãnh liệt khi môi trường thực hành ngày càng mở rộng, phần nào thỏa mãn được niềm đam mê của giới mộ điệu. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều việc cần làm để bảo tồn loại hình nghệ thuật này khi môi trường thực hành đờn ca tài tử ngày càng kém hấp dẫn, cùng với đó là sự thưa dần các tài tử có nghề.

“Chẳng hạn, theo quy ước, biên chế dàn nhạc tài tử phải có từ 3 - 4 nhạc cụ, nhưng thực tế hiện nay, hầu hết chỉ một cây guitar phím lõm, khá lắm có thêm cây đờn sến… Sự thiếu vắng nhạc cụ, giảm sút các tài tử, cộng với lối chơi đờn ca tài tử lai cải lương, khiến giá trị gốc ngày càng phai nhạt, cho thấy nguy cơ mai một là có thật”, soạn giả Nhâm Hùng nói. Tuy nhiên, theo ông Hùng, một điều đáng hy vọng là kể từ khi đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh, ngành văn hóa các địa phương đều nỗ lực tìm hướng bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật này. Chính những sự kiện như Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia sẽ là nền tảng để bảo tồn, tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật và trao truyền cũng như lan tỏa di sản đờn ca tài tử.

Phát biểu tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 năm 2022, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị: Thời gian tới, 21 tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; nâng cao chất lượng và phát triển phong trào đờn ca tài tử tại các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử trên các phương tiện truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân phát huy hơn nữa việc giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho các thế hệ tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.