GIÁM SÁT KHÔNG ĐƯỢC CHUNG CHUNG
Chiều 13.4, Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, họp để tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Phiên họp được tiến hành chỉ 1 ngày sau khi UBTVQH cho ý kiến bước đầu về báo cáo kết quả giám sát, với tinh thần tiếp thu toàn bộ các ý kiến của UBTVQH.
Cuộc giám sát về nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng là cuộc giám sát tối cao của QH, dự kiến sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5 tới. Đây cũng là cuộc giám sát được đánh giá là "có nhiều vấn đề" ngay từ khi QH bấm nút lựa chọn giám sát khi cả nước vừa trải qua 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, với nhiều bài học xương máu về y tế cơ sở, y tế dự phòng được chỉ ra trên thực tế.
Tại phiên họp 22 của UBTVQH hôm 11.4, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khi cho ý kiến về báo cáo giám sát đã nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát tối cao của QH, không phải tổng kết nghị quyết của T.Ư Đảng hay QH. Do đó, Chủ tịch QH đề nghị báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát phải có số liệu, địa chỉ cụ thể, rõ ràng làm căn cứ cho các kiến nghị sau giám sát, không thể chung chung. "Giám sát thì phải gắn được trách nhiệm. Trong này toàn là "một số", "có lúc", "có nơi"… các thứ chứ không có địa chỉ cụ thể, tỉnh nào, địa phương nào, bộ, ngành nào. Thế này rất khó mà QH thông qua được", Chủ tịch QH nói; đồng thời cũng chỉ rõ ngay 2 vụ án nổi cộm là vụ "chuyến bay giải cứu" và vụ kit test Việt Á là những sai phạm rất lớn trong sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, song không thấy báo cáo nhắc gì tới.
Giám sát phải gắn được trách nhiệm là tinh thần được cả người đứng đầu QH cũng như UBTVQH nhấn mạnh như yêu cầu tiên quyết đối với hoạt động giám sát của QH. Cũng tại phiên họp cho ý kiến bước đầu về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, hồi tháng 3.2022, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cùng nhiều thành viên UBTVQH đã yêu cầu báo cáo giám sát phải "chỉ mặt điểm tên", làm rõ trách nhiệm với các dự án dở dang, "nằm phơi mưa phơi nắng", chứ không được chung chung, vì dự án loại này rất nhiều.
Dẫn chứng loạt bài Những công trình "làm nghèo đất nước" đăng tải nhiều kỳ trên Báo Thanh Niên khi đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói "nóng ruột vô cùng", và đề nghị cần phải xác định rõ trách nhiệm đối với những công trình loại này. "Phải chỉ rõ để cảnh báo, răn đe chứ không nói chung chung. Bao nhiêu dự án treo? Lý do làm sao? Lần này có thu hồi được (đất đã giao cho dự án) không? Nhiều địa phương muốn thu hồi nhưng áp lực này kia không thu hồi được. QH ra nghị quyết thu hồi thì có thu hồi được không?", Chủ tịch QH nêu rõ.
Sự sát sao, quyết liệt của UBTVQH ngay từ những khâu đầu tiên triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của QH đã tạo ra hiệu quả tích cực, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám sát tối cao của QH. Sự "đồ sộ", chi tiết, không nể nang, né tránh trong báo cáo kết quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp 4 (tháng 10.2022) là một minh chứng rõ nét. Ngay nghị quyết của QH về cuộc giám sát với 4 phụ lục tới gần 100 trang, liệt kê đầy đủ 963 dự án không hiệu quả, lãng phí, để đất đai hoang hóa hoặc chậm đưa vào sử dụng, yêu cầu Chính phủ phải có kế hoạch, lộ trình, xử lý trách nhiệm trong năm 2023, có lẽ cũng là chưa có tiền lệ.
GIÁM SÁT ĐÃ "DÁM" VÀ "SÁT" HƠN
Theo Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường, việc UBTVQH cho ý kiến kế hoạch chi tiết, sau đó cho ý kiến báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát là một đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề của QH. "Nhiều khó khăn, vướng mắc của các đoàn giám sát đã được chỉ đạo kịp thời và giải quyết", ông Cường nói.
Trước đây, thực hiện luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND, QH khi thông qua nghị quyết thành lập đoàn giám sát đồng thời sẽ kèm theo kế hoạch, chương trình giám sát chi tiết. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ QH khóa XV, UBTVQH đã đề nghị QH ủy quyền để cho ý kiến vào kế hoạch giám sát, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá "việc này khiến UBTVQH mất thời gian thêm rất nhiều", song nhờ đó, việc xác định cụ thể đối tượng, nội dung giám sát trong kế hoạch chi tiết cũng được đánh giá, lựa chọn kỹ càng, chi tiết hơn.
Sau khi có kế hoạch giám sát, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ sở. Bên cạnh đó, đoàn giám sát tổ chức các tổ công tác đến làm việc, giám sát và có kết luận sơ bộ trước khi đoàn xuống làm việc. Cùng với đó, sử dụng tối đa và có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã có về nội dung giám sát. Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, những cải tiến này giúp cho việc giám sát cũng không đi nhiều như trước đây. "Cần thiết thì đi, không cần thiết thì thôi. Mà xuống cũng chỉ làm những việc cần thiết thôi", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cũng cho biết từ nhiệm kỳ khóa XV, UBTVQH giao các đoàn đại biểu QH, HĐND các địa phương tổ chức giám sát cả 4 chuyên đề mỗi năm (2 chuyên đề giám sát tối cao của QH và 2 chuyên đề giám sát của UBTVQH) và gửi báo cáo về đoàn giám sát. Cùng đó, các cuộc giám sát chuyên đề đều huy động sự phối hợp tham gia của Mặt trận Tổ quốc VN cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng sự tham gia của HĐND, các đoàn đại biểu QH đã tạo nên sự đồng bộ, giúp việc giám sát không chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Giám sát tối cao của QH trở thành công việc quốc gia, của cả hệ thống, của cử tri chứ không chỉ riêng đoàn giám sát. "Đây là sự đổi mới rất lớn, mang tính đồng bộ", ông An nhấn mạnh.
Song song đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH Tạ Văn Hạ đánh giá hoạt động giám sát của QH đã "dám" và "sát" hơn khi các nội dung, lĩnh vực giám sát luôn là những vấn đề đang bức xúc, nổi cộm, "liên quan trực tiếp đến quốc kế dân sinh" như vấn đề quy hoạch, chống lãng phí, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 gắn với y tế dự phòng, y tế cơ sở hay vấn đề xâm hại trẻ em… "Điều quan trọng, qua các cuộc giám sát, QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban QH đã đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là trong hệ thống pháp luật, tạo chuyển biến ngay trong thực tiễn", ông Hạ nói. (còn tiếp)
Đổi mới để nâng cao hiệu quả giám sát
Ngoài giám sát chuyên đề, các hoạt động giám sát tối cao khác của QH, từ xem xét báo cáo, chất vấn… cũng có nhiều đổi mới, cải tiến. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề "nóng", bức xúc nổi lên trong đời sống KT-XH. Nhiều vấn đề nóng phát sinh chưa kịp chọn để chất vấn cũng được chủ tọa phiên họp linh hoạt chuyển cho các bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan giải trình, dù không có tên trong danh sách trả lời chất vấn. Chẳng hạn, trong phiên chất vấn lĩnh vực thanh tra tại kỳ họp thứ 4 sáng 5.11.2022, nhiều câu hỏi được đặt ra trước tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ, nhiều cửa hàng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương điều hành chất vấn đã chuyển câu hỏi này cho Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dù ông Diên không có tên trong danh sách tham gia chất vấn. Điều này tạo sự sôi động, dân chủ, thẳng thắn của các phiên chất vấn tại QH.
Cũng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ QH khóa XV, lần đầu tiên QH tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật. UBTVQH ban hành Nghị quyết 560 hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của QH, tạo căn cứ để các cơ quan QH thực hiện giám sát văn bản một cách bài bản, hệ thống.
Bình luận (0)