Để giáo viên, học sinh được dạy học trong niềm vui, hạnh phúc

06/09/2023 06:05 GMT+7

Sáng 5.9, học sinh, giáo viên cả nước đón mừng năm học mới 2023 - 2024 bằng những buổi lễ khai giảng trang trọng, ấm áp với niềm tin và kỳ vọng.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến các địa phương cùng tham dự ngày hội của ngành giáo dục. Sáng 5.9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai (TP.Pleiku, Gia Lai). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ khai giảng tại Trường Hữu nghị T78 (H.Phúc Thọ, Hà Nội). Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tham dự lễ khai giảng tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc (H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ khai giảng tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Ở Tiền Giang, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự khai giảng tại Trường THCS Tân Phú…

Để giáo viên, học sinh được dạy học trong niềm vui, hạnh phúc  - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trò chuyện, động viên học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai

TTXVN

GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO GẮN VỚI ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

Phát biểu tại lễ khai giảng tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai (TP.Pleiku), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, chúc mừng những thành tích mà Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua; khẳng định mô hình trường công lập chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, việc thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và coi trọng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một chủ trương sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược, sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, với mục tiêu tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là chủ trương mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc. Thực hiện tốt chủ trương này sẽ tạo được nền tảng vững chắc để góp phần chăm lo cho đồng bào dân tộc, là con đường để thoát đói nghèo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Đối với vùng sâu vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục đào tạo là con đường tốt nhất để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm chủ vận mệnh, cuộc đời mình trong tương lai. Do xuất phát điểm, điều kiện sống của nhiều em không được thuận lợi như học sinh vùng miền xuôi, thành thị. Vì thế, cùng một chương trình giáo dục, nhà trường và các cô giáo, thầy giáo phải rất coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phải kiên trì, bền bỉ, chắc chắn, với phương pháp sư phạm phù hợp nhất, giúp các em bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt, không chạy theo điểm số, thành tích, học đến đâu chắc đến đó.

"Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân đều có năng lực riêng biệt, bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là phải sớm phát hiện năng khiếu, sở trường của từng học sinh trên các lĩnh vực, không chỉ là các môn học trong trường. Trên cơ sở đó, có cách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho hợp lý, gắn với việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với năng lực, điều kiện sống của các em sau này", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Để giáo viên, học sinh được dạy học trong niềm vui, hạnh phúc  - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu gặp gỡ, thăm hỏi học sinh Trường Hữu nghị T78 sau lễ khai giảng

GIA HÂN

THƯƠNG YÊU HỌC SINH NHƯ CON EM CỦA MÌNH

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị nhà trường coi trọng giữa học và hành; tổ chức cho các em tích cực lao động, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống hằng ngày, biết giữ gìn và làm đẹp cảnh quan nhà trường… Từ đó, giúp học sinh nhận thức rõ hơn trách nhiệm với tập thể, nâng cao tính kỷ luật, củng cố kiến thức, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, ăn ở nội trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh, khẳng định sự ưu việt của mô hình cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót.

"Phải không ngừng chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần thiết thực của các em. Mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong trường phải hết lòng vì học sinh thân yêu, thương yêu học sinh như con em của mình, chăm lo chu đáo cho các em từ việc học tập đến bữa ăn, giấc ngủ, nhất là khi các em xa gia đình. Các em học sinh phải coi ngôi trường phổ thông Dân tộc nội trú Gia Lai là ngôi nhà của mình; luôn trân trọng, nhớ ơn các thầy, cô giáo, nhân viên, người lao động trong trường đã cho mình có được những tháng ngày tươi đẹp dưới mái trường này. Tôi mong các em học sinh của trường sau này sẽ thành tài và nhiều em sẽ trở thành cô giáo, thầy giáo tiếp tục công việc cao quý của các thầy cô hôm nay", Chủ tịch nước phát biểu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các bậc phụ huynh và nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực, đầu tư thích đáng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung và các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nói riêng. Phải xây dựng cho được môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo cá nhân, góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

GIÁO DỤC LÀ NỀN TẢNG ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG ẤM NO, HẠNH PHÚC

Tại Trường Hữu nghị T78 (H.Phúc Thọ, Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng giáo dục, xem đây là quốc sách hàng đầu và luôn dành những điều tốt đẹp nhất để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tất cả các em HS, dù ở đồng bằng hay ở miền núi, biên giới, hải đảo, ai cũng được học hành, tiếp cận giáo dục công bằng. Đây là nền tảng căn bản nhất giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, xây dựng đất nước giàu mạnh.


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm cô giáo không tay

Để giáo viên, học sinh được dạy học trong niềm vui, hạnh phúc  - Ảnh 4.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, thăm cô giáo Lê Thị Thắm

MINH HẢI

Sáng 5.9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến nhà riêng thăm, động viên và tặng quà cho cô giáo Lê Thị Thắm, giáo viên Trường tiểu học - THCS Đông Thịnh (xã Đông Thịnh, H.Đông Sơn, Thanh Hóa).

Trò chuyện với cô giáo Lê Thị Thắm, người sinh ra đã không có 2 tay, mắc nhiều căn bệnh, tự học viết bằng 2 chân và đã trở thành cô giáo, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã biểu dương tinh thần học tập, vươn lên vượt qua số phận của cô giáo. "Cô giáo Lê Thị Thắm đã chứng minh bản thân dù khiếm khuyết nhưng không bỏ cuộc. Cô Thắm đã chứng minh cho truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung", Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nói.

Minh Hải

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhắn gửi học sinh miền Tây về biến đổi khí hậu

Để giáo viên, học sinh được dạy học trong niềm vui, hạnh phúc  - Ảnh 5.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP.Cần Thơ)

ĐÌNH TUYỂN

Như một thông điệp đặc biệt dành cho thế hệ tương lai của TP.Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, phát biểu tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ: "Là những người con của miền Tây sông nước, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hơn ai hết, bác mong các cháu là những người gương mẫu, tiên phong bằng những hành động thiết thực, truyền cảm hứng để cùng cộng đồng chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường".

Đình Tuyển


Theo Chủ tịch Quốc hội, năm học 2023 - 2024 là tròn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Do đó, ngành giáo dục cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các thầy cô giáo luôn là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm với nghề; "cô thầy như mẹ cha", hết mực yêu thương, dạy dỗ tận tình, không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, động lực để các em học sinh say mê học tập, khám phá những chân trời mới của tri thức.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng học sinh của Trường Hữu nghị T78 tiếp tục noi gương các thế hệ đi trước, phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, "vừa hồng, vừa chuyên", đồng thời góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị có một không hai giữa VN - Lào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.