Để giữ chân nhân viên y tế

Duy Tính
Duy Tính
09/04/2022 09:09 GMT+7

Thời gian qua, nhiều y bác sĩ ở TP.HCM xin nghỉ việc, gây khó khăn, xáo trộn về nhân sự, đặc biệt ảnh hưởng đến năng lực khám chữa bệnh của ngành y tế công.

Trước thực trạng nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc và giải pháp giữ chân họ gắn kết với y tế công lập, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thẳng thắn chia sẻ với PV Thanh Niên.

PGS-TS Tăng Chí Thượng

Sở Y tế TP.HCM nêu 8 vấn đề nóng trong quý 1/2022

Tuyến bệnh viện thành phố nghỉ nhiều hơn tuyến đầu

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện tượng NVYT nghỉ việc cơ sở này để đi làm cơ sở khác là chuyện bình thường, đã diễn ra lâu nay. NVYT nghỉ không phải là bỏ nghề, thường là chuyển dịch từ cơ sở này sang cơ sở khác. Ngày trước, đa số là nghỉ bệnh viện (BV) công sang BV tư nhân, còn nay lại có hiện tượng nghỉ BV công này sang BV công khác, vì khi các BV tự chủ thì nguồn thu nhập cũng sẽ khác nhau. NVYT nghỉ việc, thay đổi nơi làm việc là vì điều kiện gia đình, cuộc sống, buộc phải tìm nơi có mức thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, nếu so sánh, quý 1/2022, số NVYT nghỉ việc là 396 người, cao hơn quý 1/2021 (219 người). Điều này chắc chắn có sự tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến số nghỉ việc tăng lên. Phân tích trong 396 NVYT nghỉ việc thì có 268 người của các BV tuyến thành phố, số còn lại thuộc khối quận huyện đến phường, xã (y tế cơ sở). Điều này cho thấy không phải NVYT tuyến đầu, tuyến cơ sở nghỉ hết.

“Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của các BV tuyến thành phố. Và điều này ai cũng thấy rõ, bởi vì nếu không có dịch bệnh thì hơn 50% bệnh nhân ở các BV đầu ngành là từ tỉnh lên khám, hiện có tăng trở lại nhưng vẫn không bằng trước dịch. Trong khi đó, thời gian dịch bệnh, NVYT tuyến BV thành phố lại đi chống dịch ở các BV dã chiến, lấy mẫu, tiêm vắc xin... NVYT lao động nặng nề hơn nhưng thu nhập lại giảm nhiều, mặc dù có sự hỗ trợ của thành phố. BV nào không đủ chi theo Nghị quyết 03/2018 của HĐND TP.HCM (về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý) thì được hỗ trợ chính sách”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Cần có mức lương, chính sách đãi ngộ tương xứng cho nhân viên y tế

DUY TÍNH

Vấn đề không chỉ là lương

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, để giữ chân NVYT thì phải tăng nguồn thu chính đáng từ các BV. Đây là nỗ lực rất lớn, bằng việc khám chữa bệnh BHYT, thực hiện các hoạt động dịch vụ, nhưng phải công khai minh bạch và có sự cạnh tranh giữa các BV công lập. Việc này đòi hỏi người đứng đầu các đơn vị phải nỗ lực.

Ông Thượng cho rằng đứng ở góc độ nào đó, chính sách vẫn chưa tương xứng với NVYT. Ông thí dụ, với một bác sĩ mới ra trường và hành nghề (6 năm học đại học và 18 tháng thực hành), lương khởi điểm vẫn chỉ bằng người học 4 năm. Về điều này, Quốc hội đã tìm hiểu, nghiên cứu, chỉnh sửa và Bộ Y tế cũng đang đề xuất. Mặt khác, có sự không tương xứng về nguồn thu giữa các BV với nhau. Các BV nhiễm, tâm thần, đa khoa thì nguồn thu không thuận lợi bằng BV chuyên khoa, mặc dù sức lao động 2 nơi như nhau, có thể công việc BV đa khoa còn nặng nề hơn. Vấn đề này đòi hỏi cơ chế chính sách cần điều chỉnh lại.

“Tôi đã từng trải qua như anh em NVYT nên rất chia sẻ với tâm tư của NVYT. Một bác sĩ mà quyết định nghỉ việc nơi đang làm, đó là một quá trình suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Bởi thay đổi môi trường làm việc không đơn giản, đòi hỏi họ phải thích nghi nhiều điều tại nơi làm mới. Nhưng đã làm BV công lập, tức là một viên chức, lương rất quan trọng. Nhưng cũng có nhiều người như mình, nếu đã gắn bó rồi nên tiếp tục gắn bó, sẽ thuận lợi hơn nhiều cho cả cá nhân và cả BV”, PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Theo ông, lãnh đạo BV phải suy nghĩ làm thế nào triển khai các hoạt động khác để NVYT gắn bó với BV chứ không chỉ là lương. Đó là môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy và nghiên cứu. Nhà quản lý BV cần hết sức quan tâm về điều này.

Lắng nghe nhân viên y tế

PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế TP.HCM đang thử nghiệm chương trình lắng nghe và trao đổi với NVYT đang công tác ở cơ sở để kịp thời nắm bắt suy nghĩ, nhận thức, khó khăn và đề xuất của họ. Theo đó, lãnh đạo Sở Y tế trực tiếp nói chuyện với NVYT mà không có sự có mặt của lãnh đạo cơ sở. Những điều hợp lý, chính đáng và trong tầm điều chỉnh được của Sở Y tế thì Sở sẽ trao đổi với lãnh đạo BV để điều chỉnh. Liên quan đến chế độ chính sách của ngành, ngành sẽ xem xét điều chỉnh. Điều này sẽ giúp NVYT cảm nhận được bất cứ công việc gì, đằng sau họ còn có tổ chức tại chỗ, tổ chức cấp trên.

Song song đó, chương trình thứ 2 được triển khai là Sở Y tế trực tiếp lắng nghe góp ý của người bệnh đã xuất viện.

Theo đó, Sở sẽ nghe góp ý của người bệnh về cung ứng dịch vụ của BV, qua đó phản hồi cho BV biết. Hình thức này được thực hiện bằng kết nối trực tuyến giữa lãnh đạo Sở Y tế và người bệnh.

TP.HCM thông qua nhiều chính sách hỗ trợ y tế cơ sở

Ngày 7.4, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025.

Theo đó, về mức hỗ trợ cụ thể, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế nhận 60 triệu đồng trong 18 tháng; điều dưỡng và hộ sinh nhận 30 triệu đồng trong 9 tháng. NVYT về hưu có chuyên môn bác sĩ tham gia các trạm y tế hưởng lương 9 triệu đồng/tháng; người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế 5,5 triệu đồng/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.