|
Giao thông - vấn đề cần thay đổi trước tiên
Vẻ đẹp thanh bình cùng con người thân thiện đã níu chân nhiều người nước ngoài ở lại Hà Nội sinh sống và làm việc. Nhưng điều họ sợ hãi nhất chính là vấn đề giao thông ở đây.
Ý tưởng cải thiện vấn đề giao thông đến với Ryu Chihun (lớp 11, Trường quốc tế Liên Hiệp Quốc - Unis) thật tình cờ. Năm lớp 10, thầy giáo ra bài tập, mỗi học sinh phải thuyết trình trước lớp về chủ đề: Cá nhân có thể thay đổi xã hội. Ngay từ những ngày đầu theo cha sang VN, Ryu Chihun đã nhận thấy sự khác biệt về văn hóa giao thông nên cô gái Hàn Quốc đã chọn chủ đề về giao thông bởi theo cô, đây là vấn đề cần phải thay đổi nhất ở VN.
Ryu Chihun bộc bạch: “Đi dạo phố bằng xe ôm khá thú vị nhưng tiếng còi xe khiến tôi giật mình. Ở Hàn Quốc, bấm còi xe là hành động bất lịch sự, chỉ trong những trường hợp cần thiết mới sử dụng đến còi. Còn ở VN, còi xe bấm mọi lúc, mọi nơi, cả khi dừng ở đèn đỏ hay tắc đường người ta cũng bấm còi inh ỏi. Thành phố này sẽ trở nên đáng yêu hơn nếu tình hình giao thông được cải thiện”.
Bài thuyết trình khá thành công với dẫn chứng sinh động từ những câu chuyện có thật về nỗi khổ của người nước ngoài khi tham gia giao thông tại VN. Dù đi bộ, đi xe đạp hay xe máy đều có thể gặp tai nạn bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Bạn cô đi xe đạp cũng gặp tai nạn. Bản thân bố Chihun cũng bị xe buýt tông gây rạn xương sườn. Những câu chuyện đó khiến cô học trò trăn trở: “Hầu hết những bạn học của tôi đều yêu mến Hà Nội, nhưng ai cũng sợ mỗi khi đi ra đường. Tôi muốn thử xem, lý thuyết có đúng với thực tế hay không. Chính điều này thôi thúc tôi biến ý tưởng thành kế hoạch hành động. Mục đích của tôi là thuyết phục người tham gia giao thông thay đổi thái độ khi lái xe, tuân thủ luật lệ giao thông ở VN”.
“Chúng ta nên hành động”
Kế hoạch của cô được sự ủng hộ của bố, một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo. Ông tặng con gái chiếc camera gắn trên mũ bảo hiểm. Cuối tuần 2 bố con lại rong ruổi quanh thành phố ghi lại hình ảnh về giao thông. Và những gì thu thập được khiến cô gái trẻ khá sốc. “Đó là những hình ảnh chỉ có ở VN. Một chiếc xe máy có tới 5 người ngồi trên đó. Họ phóng nhanh trên đường, cứ như đang diễn xiếc. Rồi cảnh những người đi xe máy chở đằng sau là bình gas, tủ lạnh; hình ảnh đàn bò đi nghênh ngang giữa đường; cảnh giao thông hỗn độn khi tắc đường, không ai nhường ai. Đáng sợ hơn cả là cảnh tai nạn giao thông trên đường. Khi xem lại tôi vẫn còn cảm giác rùng mình”, Chihun chia sẻ.
Một năm qua, Chihun đã âm thầm thực hiện hàng ngàn bức ảnh và clip giao thông tại VN. Cô đã chọn 365 bức ảnh đẹp nhất in thành lịch treo tường và lịch bàn. Ngoài ra, cô còn in cốc gắn logo chương trình bán đấu giá lấy kinh phí cho dự án. Chihun đến các đại sứ quán, công ty, tổ chức nước ngoài ở Hà Nội kêu gọi, vận động những người nước ngoài đang sống và làm việc tại VN tham chiến dịch “Hà Nội lãng mạn” do cô khởi xướng. Để nhiều người biết đến chương trình của mình và hưởng ứng tham gia, cô đã mua tên miền http://hanoitraffic.com để giới thiệu, lập trang Facebook chia sẻ clip, hình ảnh, các vấn đề về giao thông tại Hà Nội. “Dự án khởi động trong tháng 12, tất cả mới chỉ bắt đầu, tôi rất hy vọng sản phẩm của mình sẽ bán chạy, số tiền bán đấu giá vật dụng lưu niệm tôi sẽ dành để in logo chương trình tặng mọi người dán trên xe máy, mũ bảo hiểm. Chỉ cần mọi người cùng thay đổi nhận thức khi tham gia giao thông và tuân thủ 3 quy tắc: không còi xe, không băng ngang qua đường, không chở đồ cồng kềnh trong thành phố. Nếu làm được 3 điều này, chắc chắn Hà Nội sẽ đáng yêu hơn rất nhiều”, Chihun cho biết.
Theo lời Chihun, chỉ còn một năm nữa cô quay về Hàn Quốc học ĐH. Trước khi rời xa Hà Nội, cô gái Hàn Quốc muốn đóng góp một phần nhỏ bé cải thiện giao thông Hà Nội. Chihun bày tỏ: “Thay vì chỉ phàn nàn hay suy nghĩ, chúng ta nên hành động. Tôi tin rằng, tất cả mọi người đều có thể thực hiện, hãy cùng tham gia để Hà Nội trở nên lãng mạn hơn”.
Thu Hằng
>> Học sinh Hàn Quốc không chê công ty nhỏ
>> Học sinh Hàn Quốc đọc sách ít, chơi game nhiều
>> Nhiều học sinh Hàn Quốc muốn làm giáo viên
Bình luận (0)