Không chỉ có biệt ngữ "đọc vị" mà người ta còn than phiền rằng, chỗ này hay chỗ khác tiếng Việt vẫn bị sử dụng tùy tiện, ví dụ thay vì dịch nhan đề quyển You can read anyone của David J. Lieberman thành Có thể đọc bất kỳ ai hay Có thể đọc ý nghĩ của bất kỳ ai thì người ấy đã dịch chữ “read” thành “đọc vị” mà không thèm dùng ngoặc kép: Đọc vị bất kỳ ai. Họ chắc cũng đã nhận ra ý nghĩa của chữ “vị” có vẻ rất mơ hồ, nhưng với bản tính dễ dãi cố hữu của người Việt, không ai cảm thấy cần phải tra cứu cẩn thận trước khi dùng.
|
Vậy, chính xác thì "đọc vị" là gì? Xin thưa, đây là biệt ngữ dùng để chỉ hành động của người chơi xóc đĩa, đoán mặt sấp mặt ngửa của các đồng xu trong đĩa trước khi quyết định. Xóc đĩa là một trò chơi có nguồn gốc ở miền Bắc Việt Nam, được Henri Oger giới thiệu trong bộ sưu tập tranh mộc bản vẽ các sinh hoạt thường nhật của người Việt vào đầu thế kỷ 20, đó là quyển Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite, 1909). Đến năm 1960, Maurice Durand trình làng quyển Tranh dân gian Việt Nam (Imagerie populaire Vietnamienne), ở trang 48 cũng có hình vẽ mô tả cảnh chơi xóc đĩa.
"Đọc vị”' có nghĩa là đoán những quân vị trong bát đĩa để quyết định đặt tiền vào cửa chẵn hay lẻ. Xin giới thiệu sơ qua trò này như sau: Bộ xóc đĩa gồm có 4 đồng xu (tức 4 quân vị) đặt trên 1 cái đĩa rồi đậy kín bằng 1 cái bát. Nhà cái sẽ xóc đĩa rồi đặt xuống bàn chơi, sau đó những người chơi sẽ đặt tiền vào ô chẵn hay lẻ. Số gọi là chẵn gồm có ba trường hợp: 4 đồng xu đều ngửa, 4 đồng xu đều sấp, hay 2 đồng xu ngửa và 2 đồng xu sấp; số lẻ gồm có 2 trường hợp: 3 đồng xu ngửa và 1 đồng xu sấp, hoặc 1 đồng xu ngửa và 3 đồng xu sấp.
Ngày xưa quân vị là những đồng xu hình tròn, ngày nay quân vị thường được làm bằng bìa cứng, lá bài tây hoặc vỏ bao thuốc lá, tất cả đều được cắt tròn với kích cỡ bằng nhau (thường có 2 màu khác nhau để phân biệt chẵn lẻ). Ngày xưa, việc sử dụng 4 đồng xu làm quân vị sẽ khó chơi gian lận hơn, còn ngày nay trên mạng rao bán đầy những bộ xóc đĩa bịp với những quân vị bôi nước ion hoặc gắn nam châm, điều khiển bằng những dụng cụ bên ngoài như bệ thảm, có camera siêu nhỏ dưới bát đĩa…
|
Tóm lại, “đọc vị” là một biệt ngữ của trò chơi xóc đĩa, không nên sử dụng từ này để dịch hoặc thay thế những khái niệm như đọc, thấu hiểu… như nhiều bài viết hay sách mà chúng ta thấy trên mạng: Đọc vị người khác qua ngôn ngữ cơ thể; Đọc vị người khác bằng phương pháp của FBI; Đọc vị bất kỳ ai, Làm cách nào để đọc vị người khác như Sherlock Holmes…
Trong trường hợp sử dụng từ "đọc vị" tốt nhất là nên để trong dấu nháy, nếu không, có người sẽ bắt chước sử dụng một cách tự nhiên, càng làm tổn thương đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Bình luận (0)