'Đề Hồ truyện' - Hành trình văn chương của chàng trai mê sử Việt

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
25/10/2022 22:22 GMT+7

Vừa thoát ra khỏi đại dịch Covid-19 mấy tháng, một hôm tôi nhận được e-mail bản thảo của Phạm Thiên Tín qua nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên với lời nhắn gửi “nhờ anh xem qua bản thảo, có gì góp ý thêm với tác giả trẻ này”. Tôi biết đó là lời nhắn gửi chân tình, hàm chứa sự trân trọng với một người trẻ nặng lòng yêu sử Việt, từ anh.

Vậy rồi miệt mài đọc, miệt mài “thấm” giọng văn của chàng trai Phạm Thiên Tín, mà lúc chấp bút viết quyển 1 của bộ tiểu thuyết dã sử Đề Hồ truyện, mới vừa 28 tuổi. Một câu chuyện hành trình đời người của vị võ tướng Phạm Thân dưới thời Lê - Mạc và đầu thời kỳ Trịnh - Nguyễn bắt đầu lướt qua tôi, đôi khi có những khúc quanh của một giai đoạn lịch sử khiến tôi dừng lại, chiêm nghiệm ý và tình của nhân vật chính, thấy tỏa ra trên từng chương sách một không khí hào hùng, lẫm liệt nhưng không kém phần bi tráng.

TRẦN THANH BÌNH

Hình bọc sách và bìa 1 sách Đề Hồ truyện

Để rồi, khi gửi lại bản thảo với một vài lời góp ý nhỏ, theo kiểu lạm bàn thêm một chút với tác giả về lĩnh vực mình chưa mấy am hiểu, lại nhận được từ Phạm Thiên Tín một sự đam mê, nhiệt thành hiếm có với lịch sử nước nhà, mà anh đã dày công chuyển hóa thành tiểu thuyết chương hồi, nhưng cốt truyện chính vẫn giữ lại các yếu tố lịch sử đáng tin cậy. Có chăng, là với sự tưởng tượng phong phú của mình, Phạm Thiên Tín đã khéo léo lồng vào những chi tiết hư cấu rất hay, với một nguồn cảm xúc khi đọc, lại tưởng chừng Tín đang sống cùng thời với những nhân vật của nửa thế kỷ 16 vắt sang thế kỷ 17, ở vùng đất Nam - Ngãi.

Đề Hồ truyện được tác giả Phạm Thiên Tín (hiệu là Đề Hồ hầu) viết theo dạng dã sử. Ngay cái tên truyện, cái tên hiệu và không khí của truyện, đậm chất dã sử chương hồi. Quyển 1 ra đời sau gần 2 năm viết và hiệu chỉnh, được Tín trang trọng ghi vài lời tâm sự ở trang đầu: “Thuở bé, vào những trưa hè gió mát, bên tiếng võng đưa kẽo kẹt, tôi thường được ông, được bố kể cho nghe những mẩu chuyện, giai thoại xưa cũ về con người đất Việt can trường mang gươm đi mở cõi, vượt khó dấn thân chốn rừng thiêng, khai hoang, đoàn kết cùng nhau xây làng, lập xã. Vào những tối tan làm sớm, mẹ thường kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ, những sự tích trăm nghìn năm tuổi về một nước Việt lạ lẫm, nhiệm mầu. Rồi chẳng biết từ khi nào, trong tâm trí tôi đã mang niềm yêu thích với những thời đại xa xưa ấy”.

Ở phần bản bìa cuối cuốn sách, sau khi đọc bản thảo, tôi đã mạn phép ghi đôi dòng bạt như một sự trân trọng với tác giả Phạm Thiên Tín.

Khởi đi từ đó, niềm yêu mến lịch sử nước nhà càng đậm, càng chất chồng theo tuổi, để rồi khi lớn lên, tác giả đọc nhiều hơn và thấm hơn những trang sử thăng trầm trên dải đất hình chữ S. Mở cõi và chinh phục bờ cõi, tìm thêm lối đi cho lớp lớp hậu nhân và hình thành gầy dựng nên một quốc gia, mỗi tấc đất tô thấm máu đào người đi trước và đem về vinh quang xán lạn cho hậu thế. Ấy là cảm thức bồi đắp nung nấu trong lòng của một chàng trai thế hệ 9X, để rồi như một sự biết ơn tự đáy lòng, Phạm Thiên Tín đã chọn một giai đoạn lịch sử khá gai góc để thể hiện. Có thể xem vùng đất Nam-Ngãi thuở ấy là một bối cảnh xung đột ẩn chứa nhiều kỳ tích khó phai. Tín đã biến hóa những điều dày công nghiên cứu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực: lịch sử, địa lý, văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán… để chuyển tải vào hơn 400 trang sách đầu tay, bằng những mô tả rất kỳ thú, bằng những cảm xúc yêu mến con người quật khởi rất mực, để làm nên diện mạo “dày, chắc và ly kỳ” từ quyển đầu tiên của bộ tiểu thuyết dã sử dài hơi, mà anh dự định sẽ mô tả xuyên suốt giai đoạn lịch sử cha ông ngày xưa định hình nên một vùng đất, tạo sức bật để xuôi hướng về Nam.

Nhưng, vì là tiểu thuyết dã sử, nên phần “thịt da” hư cấu với mạch văn đẫm chất “dã sử” là không thể thiếu. Chính nhờ vậy, đọc mới thú vị. Phần chính sử, cũng không thể không lưu ý độ chính xác, nên lúc lồng vào, Phạm Thiên Tín rất khéo léo chú giải rõ ràng. Đó là một sự dụng công để tạo nên hồn cốt của một kiểu tiểu thuyết dã sử chương hồi, không dễ viết nếu không có trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

Tự đặt tên hiệu là Đề Hồ hầu, ở cuối sách, tác giả cũng tự giới thiệu theo kiểu… rất dã sử: “Đề Hồ hầu tên thật là Phạm Thiên Tín, một người yêu thích sử Việt, sinh ra tại Quảng Ngãi vào năm thứ hai, thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đề Hồ truyện là bộ tiểu thuyết mang đậm màu sắc dã sử, quân sự. Nội dung xuyên suốt kể về cuộc đời binh nghiệp của nhân vật Phạm Thân, người gốc Quảng Nam, sống vào thế kỷ XVI. Truyện khởi đầu từ những năm chiến loạn Nam - Bắc triều giữa 2 nhà Lê - Mạc, kết thúc ở giai đoạn đầu Trịnh - Nguyễn phân tranh. Dưới góc nhìn của Phạm Thân, ta sẽ được mục kích ít nhiều những cuộc chiến ác liệt trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân nước ta lúc đương thời phần nào cũng được hé lộ. Ngoài ra, các giá trị nhân văn như tình thân, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình yêu… và cả những mưu mô, toan tính, tham vọng là những lát cắt không thiếu trong bộ truyện này”.

Chọn một lối đi bám sát sườn lịch sử gai góc như vậy, cộng với sự thao thức để viết, làm sao thu hút lôi cuốn được độc giả, tôi cho rằng Phạm Thiên Tín đã bỏ ra tâm sức không nhỏ. Công phu ấy, rất đáng ghi nhận, dù rằng không hề đơn giản như anh bày tỏ: “Ở Đề Hồ truyện, tôi muốn kể một câu chuyện mang đậm chất dã sử và hư cấu… Đó là những câu chuyện về người nông dân, thương buôn, cậu học trò, gã ăn mày… hoặc đơn thuần chỉ là lời truyền miệng về nguồn gốc của những món ăn, bộ quần áo hay vài trò chơi… Dẫu cho ít được sử gia nhắc đến, nhưng theo tôi, đó là những viên gạch góp phần tạo dựng nên văn hóa xã hội xưa, có ảnh hưởng không nhỏ tới những di sản của người Việt”.

Và tựu trung, dụng ý của tác giả cũng rất rõ, bộ tiểu thuyết dã sử này có thể là để trả lời những câu hỏi thắc mắc sâu kín của chàng trai vốn luôn mê say đọc, để rồi nhiều lúc nào đó ngẩn người một chút hình dung lại chuyện xưa: “Tôi thường có những suy nghĩ, tưởng tượng về cuộc sống của tiền nhân: họ đã sống, ăn mặc, sản xuất ra sao, đã mưu tính và chiến đấu như thế nào?”.

Với quyển 1 mới phát hành, hy vọng hành trình lao động không ngơi nghỉ của một cây bút đang hồi sung mãn để tiếp tục có thêm quyển 2, quyển 3, quyển 4… trong tương lai, sẽ trả lời đầy đủ cho những câu hỏi trên, không chỉ với riêng tác giả mà còn với nhiều bạn đọc trẻ ham thích lịch sử, văn hóa nước nhà thông qua loại hình tiểu thuyết dã sử.

Xin dẫn lại 2 câu thơ của chàng trai trẻ Phạm Thiên Tín, tác giả bộ tiểu thuyết ghi ở đầu sách để bày tỏ sự trân quý về những ấp ủ, niềm mê say và công phu sáng tạo của anh, nhằm biến mong ước thành hình: “Chuyện của cổ nhân giống như thỏi vàng sau ô bông gió. Ta chui chẳng lọt nhưng có thể ghé mắt nhìn”.

Những bản tranh thuần Việt minh họa sách do chính tác giả vẽ in kèm sách

* Đề Hồ truyện (quyển 1) do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 9.2022 gồm 50 chương, 420 trang và 50 bản tranh vẽ in kèm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.