Để học sinh không sợ môn toán: Vẻ đẹp toán học khởi nguồn từ người thầy

10/11/2022 10:13 GMT+7

Tình yêu toán học sẽ đến với học sinh từ người thầy tạo nguồn cảm hứng trong tiết dạy sống động với phương pháp tiếp cận tinh thần đổi mới sáng tạo của thế giới phẳng, không nên chỉ tập trung vào những công thức khô khan.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 2 đã phải học xác suất, thống kê.

Chính vì điều này mà dư luận có những băn khoăn với nhiều luồng ý kiến khác nhau tại các buổi hội thảo, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Có nhiều người cho rằng khi nói đến xác suất, thống kê thấy rất khó vì theo chương trình hiện hành chỉ có lớp 11 là học xác suất còn thống kê thì chỉ có trong chương trình lớp 7 và lớp 10.

Tình yêu toán học sẽ đến với học sinh từ những người thầy tạo nguồn cảm hứng trong những tiết dạy sống động

đ.n.t

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà soạn thảo chương trình mới, ở khối lớp 2, học sinh chỉ được học những khái niệm cơ bản của hai nội hàm kiến thức này.

Câu chuyện về xác suất, thống kê gợi tôi nhớ lại bài toán cổ mà ngày xưa đi học với những cách giải khác nhau nhưng cuối cùng cũng ra một đáp số duy nhất:

Vừa gà vừa chó

Bó lại cho tròn

Ba mươi sáu con

Một trăm chân chẵn

Hỏi có mấy gà, mấy chó?

Khi học số học, học sinh giải theo cách đặt giả thuyết tạm. Khi học đến đại số ở chương trình lớp 9, học sinh có thể sử dụng cách giải phương trình. Dù giải theo cách nào cuối cùng cũng tính được là 14 con gà và 22 con chó. Cũng là một chủ đề dạy học nhưng lượng kiến thức được quy định khác nhau tùy theo tâm sinh lý lứa tuổi, bậc học.

Điều quan trọng với người thầy là làm thế nào giúp học trò mình hiểu được định lượng kiến thức ấy để vận dụng vào thực tế và toán học cũng không ngoại lệ.

Mỗi học sinh sẽ tình cờ bắt gặp nhiều ý tưởng thú vị trong toán học qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau hay qua sự dẫn dắt gợi mở của người thầy. Có quá lời không khi cho rằng: Những lời động viên, khuyến khích học toán từ giáo viên, thầy cô vô tình tạo áp lực cho trẻ, chẳng hạn “Con cần học môn toán nếu con muốn trở thành…" hay “con phải học môn toán tốt hơn nếu không thì...".

Ở một góc độ khác, một số bậc phụ huynh lại an ủi con mình rằng ngày xưa khi đi học, họ cũng không học giỏi môn toán, như vậy liệu rằng tấm gương “tiêu cực" này có thể ảnh hưởng xấu đến việc học toán của học sinh hay không.

Vẻ đẹp nội tại của toán học phải được tiếp cận với những minh hoạ cực kỳ dễ hiểu, những ví dụ "nhảy ra khỏi trang sách" với những sự lôi cuốn hấp dẫn … chứ đừng nên dừng ở mức độ chỉ biết đến toán học như là một bộ môn hữu dụng cho cuộc sống.

Tình yêu toán học sẽ đến với học sinh từ những người thầy tạo nguồn cảm hứng trong những tiết dạy sống động với những phương pháp tiếp cận tinh thần đổi mới sáng tạo của thế giới phẳng chứ không nên là những công thức, định lý khô khan. Vẻ đẹp toán học khởi nguồn từ những người thầy chính là thế.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”

Theo thống kê, hơn 70% học sinh lên cấp THPT có ấn tượng không tốt lắm với môn toán. Con số này phản ánh một thực tế tồn tại trong các thế hệ học sinh: Sợ học toán.

Làm thế nào để thấy được vẻ đẹp của toán, không còn ám ảnh, sợ hãi; học với sự chủ động… là mong muốn của rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Báo Thanh Niên mong muốn nhận được ý kiến, chia sẻ của bạn đọc qua diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email: thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Trân trọng cảm ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.