Qua nhiều năm là cán bộ quản lý trường THPT, tôi xin được chia sẻ mấy điều sau để tránh tình trạng học sinh phát biểu bằng cảm xúc của người khác.
Năm đó, sau khai giảng chưa đến một tháng, trường tôi xảy ra vụ đánh nhau giữa các nữ sinh tại một lớp 10. Do mâu thuẫn trên Facebook giữa nữ sinh X với nhóm nữ sinh cùng lớp. Tôi mời các em lên làm việc, tìm hiểu diễn biến, nguyên nhân của vụ đánh nhau. Trong đó, nổi lên vai trò của L.A. Lúc trao đổi riêng với em, tôi nhận định vụ đánh nhau chủ yếu do tính ương bướng của tuổi mới lớn.
Siêng đọc sách giúp học sinh viết các phát biểu bằng chính cảm xúc của mình |
ĐỨC NHẬT |
Xét kỷ luật được tiến hành theo quy định, nhưng tôi không đưa vụ việc ra trước toàn trường. Tôi cùng bí thư Đoàn trường về sinh hoạt với lớp, phân tích phải, quấy, nghe các em trong cuộc, các bạn khác góp ý. Cùng với mức kỷ luật cảnh cáo là lao động vệ sinh và đọc sách tại thư viện.
Nhóm nữ sinh đánh nhau sau đó tiến bộ nhiều, L.A ngày càng chăm, ngoan, em được chọn vào đội tuyển của trường để bồi dưỡng học sinh giỏi môn vật lý. 3 năm học qua nhanh, L.A được chọn phát biểu tại một chuyên đề về xây dựng trường học hạnh phúc do Sở GD-ĐT tổ chức. Tôi gọi em xuống phòng hiệu trưởng để nghe em đọc phát biểu của mình. Em kể về lỗi lầm năm lớp 10, em nói về tình thương của thầy cô mà nhờ đó em lớn khôn. Trong căn phòng chỉ em và tôi, em khóc và tôi cũng khóc...
Những hoạt động như chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà cho người vô gia cư đêm Noel, thăm nơi nuôi trẻ mồ côi, giới thiệu sách mới… được tổ chức đều đặn trong năm học.
Giờ chào cờ các em được nghe những câu chuyện cao thượng về tình mẫu tử, tình bạn, vượt khó trong học tập. Giờ chào cờ trở thành nét đặc sắc của giáo dục tại trường. Học sinh của trường mong đến giờ chào cờ đầu tuần; lúc xa trường, giờ chào cờ - các em mãi nhớ.
Nhà trường khéo tổ chức, cuốn hút học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, từ đây, các em viết bằng cảm xúc của mình mà không phải vay mượn của Google.
Phố núi quê tôi chỉ hai mùa mưa nắng, thế nhưng, phát biểu dịp khai giảng (thường vào mùa mưa bão), vậy mà có không ít bài phát biểu, cứ gió mùa thu, sương thu, nắng thu nhẹ... Tôi ân cần hướng dẫn các em viết lại, lời thật mà vẫn dạt dào, sâu lắng, nét hồn nhiên của học trò miền đất đỏ bazan.
Tôi lấy hai phòng học liền kề tu sửa làm thư viện, trang bị máy tính, sắm bàn ghế mới, mua sách tham khảo, truyện ngắn, tiểu thuyết. Thư viện nhà trường có nhiều loại nhật báo. Lúc đầu, thầy trò chưa có thói quen đọc sách, mỗi kỳ sinh hoạt chung tôi nhắc nhở, cán bộ thư viện thường xuyên giới thiệu sách mới, các môn học theo dự án yêu cầu học sinh xuống thư viện tham khảo tài liệu, học sinh bị kỷ luật được hướng dẫn đọc sách.
Tập thể lớp, cá nhân học sinh đọc nhiều sách tại thư viện, cuối mỗi học kỳ được khen thưởng như học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đọc sách dần thành quen, vào giờ ra chơi hay trống tiết, thầy trò xuống thư viện vui cùng sách.
Siêng đọc sách giúp học sinh viết các phát biểu bằng chính cảm xúc của mình. Đó cũng là con đường để có dạy thật, học thật.
Bình luận (0)