Mặc dù đã được đầu tư tốt về cơ sở vật chất và nhân viên tư vấn, song nỗi băn khoăn lớn nhất của trường học hiện nay làm sao để công tác tư vấn tâm lý đạt hiệu quả? Làm sao để học trò không quay lưng mà ngày càng tìm đến đông hơn? Muốn vậy, đầu mỗi năm học, nhà trường cần phải xây dựng một quy trình tư vấn tâm lý cho riêng mình.
Không phải trường nào cũng có giáo viên chuyên trách về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh |
Đ.N.T |
Để xây dựng quy trình tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, cần dựa trên nhiều yếu tố: đặc điểm tâm lý chung của học trò (thân chủ); các nguồn lực tại chỗ, như giáo viên chủ nhiệm, giám thị nhà trường; các nguồn lực hỗ trợ khác bên ngoài, như cha mẹ học sinh, chuyên gia tâm lý bậc cao hơn, y tế địa phương… Công việc này rất công phu, vất vả, đòi hỏi nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý phải mất công sức tìm hiểu, kết nối, tìm hỗ trợ.
Sau khi có đầy đủ phương tiện, điều kiện, nguồn lực, giáo viên tâm lý có thể xây dựng quy trình hoạt động theo các bước sau: Xây dựng kế hoạch, có sự tham mưu của lãnh đạo nhà trường; Phối hợp với giáo viên và giám thị tiếp cận học sinh khó khăn về tâm lý hoặc thực hiện đánh giá, sàng lọc sức khỏe tâm thần học sinh đầu mỗi học kỳ. Sau khi tiếp cận, sàng lọc, giáo viên tư vấn xây dựng kế hoạch can thiệp. Sau một thời gian can thiệp, nếu sức khỏe tâm thần học sinh không chuyển biến tốt, giáo viên tâm lý chủ động đề xuất giải pháp can thiệp tiếp theo với các nguồn lực như đã nói ở trên.
Là trường có số lượng học sinh đông, theo kinh nghiệm của thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, rất cần sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và giám thị. Khi phát hiện học sinh của mình có khó khăn về tâm lý, có thể giới thiệu trực tiếp đến phòng tâm lý, hoặc nhắn tin cho giáo viên tâm lý qua trang Fanpage, Zalo. Đầu mỗi năm học, phòng tư vấn tâm lý phát tờ rơi, danh thiếp đến từng lớp để giúp học sinh có điều kiện tiếp cận phòng tư vấn tâm lý một cách hiệu quả.
Bình luận (0)