Để không còn ai chết cháy

03/01/2015 16:00 GMT+7

Có thể nói, đón năm mới nhưng chúng ta không vơi được nỗi đau từ vụ hỏa hoạn thương tâm ở Hải Phòng. Khuya ngày 29.12.2014, lửa đã cướp đi sinh mạng cả gia đình gồm 6 người và 1 thai nhi.

Có thể nói, đón năm mới nhưng chúng ta không vơi được nỗi đau từ vụ hỏa hoạn thương tâm ở Hải Phòng. Khuya ngày 29.12.2014, lửa đã cướp đi sinh mạng cả gia đình gồm 6 người và 1 thai nhi. Lửa cháy gần nửa giờ, hàng xóm mới phát hiện nhưng bất lực vì nhà không lối thoát hiểm, cửa chính mấy lớp khóa.

Một vụ cháy nổ tại cửa hàng buôn bán phụ tùng xe máy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh TP.HCM - Ảnh: Công Nguyên
Vài năm trở lại đây, hỏa hoạn đã trở thành hiểm họa phổ biến. Thiệt hại về người chưa thể sánh với tai nạn giao thông nhưng mất mát tài sản thì gấp bội. Trước đây chủ yếu là cháy rừng, thi thoảng mới cháy nhà. Giờ thì cháy đủ thứ và thường xuyên. Từ công ty sản xuất, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, kho bãi, bãi giữ xe cho đến khu dân cư, văn phòng và cả cây xăng. Có tháng, 5 - 7 vụ cháy ở các công ty lớn, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi vụ. Kinh hoàng nhất là vụ cháy nổ ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP.HCM vào khuya 24.2.2013. Vụ nổ đã phá sập 3 ngôi nhà, làm chết 11 người, chưa kể số bị thương.
Cứ sau mỗi tai nạn đau lòng và những cái chết thương tâm là điệp khúc “chính quyền thăm hỏi, ủy lạo, rút kinh nghiệm…”, còn dư luận xã hội thì “chia buồn, cầu mong siêu thoát”. Khác với tai nạn giao thông, nạn nhân thường bất ngờ và bị động, hỏa hoạn thì có thể chủ động đề phòng. Việc giản đơn nhất là mỗi nhà sắm một máy báo cháy. Vài trăm ngàn không phải là quá lớn. Có thể hỗ trợ các hộ nghèo. Đường phố và hẻm đều có quy hoạch, nhà có giấy phép xây dựng, tại sao không bắt buộc từng khu phố phải có tiêu chuẩn phòng cháy, từng nhà có lối thoát hiểm (dù là nhà hộp ba mặt bít bùng) và có dụng cụ thoát hiểm như trên xe hơi?
Mỗi tổ dân phố đều có tổ trưởng, tổ phó, khu phố có công an khu vực. Nếu tính cả công an phường và phường đội, quân số phải hơn trăm. Chưa kể các đoàn thể. Tất cả đều có lương hoặc phụ cấp từ tiền thuế của dân. Họp tổ dân phố thường kỳ có thể nhắc nhở mọi người chủ động phòng cháy. Cùng với các phương tiện truyền thông hiện đại, có thể sử dụng hệ thống loa phường để tuyên truyền mỗi ngày. Cả bộ máy như vậy mà vẫn sờ sờ những cây xăng không phép, không đủ chuẩn an toàn. Chẳng nước nào dám để kho xăng trong khu dân cư, dù tiêu chuẩn an toàn họ có thừa. Rồi các cửa hàng sang chiết gas trái phép. Nhiều hộ dân còn vô tư trữ xăng trong nhà. Quản lý kiểu đó thì không cháy nổ mới lạ.
Việt Nam đã có Luật Phòng cháy Chữa cháy từ năm 2001, bổ sung vào tháng 11.2013 cùng nhiều nghị định cụ thể nhưng hình như chẳng ai nhớ. Nhiều người dân thì thiếu hiểu biết nên “điếc không sợ súng” với tâm lý “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Nhiều cấp quản lý thì “mất bò mới lo làm chuồng”. Trang thiết bị của lực lượng chữa cháy còn lạc hậu và thiếu thốn. Chúng ta vẫn chưa có máy bay chữa cháy. Thang chữa cháy cao nhất chỉ 72 mét nhưng nhà cao nhất hiện nay cao gấp 5 lần… Việt Nam không nghèo tới mức phải coi thường cái chết vì thiếu trang thiết bị. Cái thiếu là quyết tâm hành động.
Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cụ thể về các vụ hỏa hoạn, không thể đổ cho ông trời hoặc số phận. Để những cái chết thương tâm không còn tái diễn, bên cạnh nâng cao ý thức người dân thông qua tuyên truyền và xử phạt; phải dọn sạch những “quả bom nổ chậm” trong từng hộ gia đình cho đến khu dân cư. Một khi người dân đồng tình và nhà nước quyết tâm thì không có gì là không thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.