Để không nói “giá như”...

Lê Thanh
Lê Thanh
28/06/2018 19:27 GMT+7

Trong cuộc sống, chúng ta hay nghe mọi người nói với nhau những câu đại loại: giá như mình kiên định đến cùng thì bây giờ đã thành công rồi hay giá như mình không từ bỏ, chắc cuộc đời mình đã thay đổi…

Theo anh Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc công ty kinh doanh các mặt hàng điện gia dụng Hồng Ân, Q.Gò Vấp (TP.HCM), để không bị cảm giác dằn vặt đeo bám lấy bạn thì đừng lãng phí thời gian vào những việc vô bổ và cũng đừng vội nản lòng mà từ bỏ bất cứ một điều gì quá dễ dàng. “Trước khi định từ bỏ một việc gì đó bạn hãy dừng lại một chút để tưởng tượng về cuộc sống của sau này sẽ ra sao”, anh Ân khuyên.
Đừng dễ dàng bỏ cuộc, để khỏi phải nói hai chữ "giá như" về sau (Ảnh: Shutterstock)
Anh Ân nói: “Quyết định là do chính bạn đưa ra nhưng theo tôi trước khi quyết định bỏ cuộc một vấn đề gì đó trừ khi bạn đã cố gắng hết khả năng vốn có của mình và đừng để sau này quay lại phải nói hai từ “giá như”. Hãy mạnh mẽ lên và chỉ hướng về phía trước cho dù lúc đó bạn đang nằm trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”.
Là người từng thất bại trong kinh doanh nhưng chị Nguyễn Thị Mai Thanh (30 tuổi), chủ một cơ sở về sapa và làm đẹp trên đường Nguyễn Đình Chính, P.11, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết: “Trong đời, mỗi người trong chúng ta ai cũng từng trải qua ít nhất một lần thất bại, dẫn đến sợ hãi, tự ti thậm chí là thiếu tự tin vào bản thân mình…Nhưng không lẽ mỗi khi gặp những chuyện như thế ta lai buông xuôi, từ bỏ hết tất cả”.
Chị Mai Thanh cho rằng: “Dù rằng bạn là ai trong cuộc đời này, mục tiêu của bạn là gì, chắc hẳn có những lúc gặp phải những khó khăn. Khi mà bạn cảm thấy kiệt sức và không còn động lực để tiếp tục và chỉ muốn từ bỏ cho xong, những lúc như thế bạn cần phải thật tỉnh táo. Khi ấy bạn hãy ngồi lại xâu chuỗi mọi việc để hiểu rằng điều gì đã làm mình mất động lực”.
Cũng theo chị Mai Thanh, sẽ có cả tá lý do khác nhau có thể dễ dàng đánh gục bạn, và mỗi người thường có vài lý do khác nhau. Thế nhưng, cũng có một số khác cho rằng lý do duy nhất nằm ở bản thân mỗi người. Muốn đạt được thành công bạn không thể ngồi chờ sung rụng được. “Tất cả những gì bạn cần làm là nỗ lực và cố gắng không chỉ trong vài ngày, vài tuần mà là suốt chặng đường cho đến khi đạt được những gì bạn muốn. Trừ khi bạn không toàn tâm toàn ý muốn thay đổi. Thậm chí có những lúc bạn cho rằng những thay đổi là vô nghĩa? Đó là những dấu hiệu cho thấy bạn không sẵn sàng và thực lòng quyết tâm thay đổi chính mình”, chị Mai Thanh chia sẻ.
Luôn tự tin và vững bước (Ảnh: Shutterstock)
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), khuyên: “Trong thực tế có rất nhiều trường hợp khi người ta từ bỏ, buông xuôi một việc gì đó mà ranh giới giữa thành công và thất bại chỉ còn là một bước ráng nữa thôi. Chính vì vậy, sự kiên trì là dấu hiệu của một thành công đột phá. Hãy coi đây là một bài kiểm tra lòng kiên nhẫn của mình và tôi tin bạn sẽ tìm được đáp án chính xác ngay thôi”.
Theo tiến sĩ Long, khi bạn nói “đồng ý, tôi muốn khoảnh khắc thành công hơn bất cứ thứ gì” cũng đồng nghĩa với câu nói “dĩ nhiên rồi, tôi tin mình xứng đáng nhận được những gì mình muốn sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân”. Vì thế, hãy tiếp tục, bước đi và tin rằng mình đang đi đúng hướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.