Để không sợ môn toán: Học sinh kiến nghị gì?

11/11/2022 10:15 GMT+7

Sau khi đọc bài viết Đừng để mỗi giờ toán là một nỗi hãi hùng của Báo Thanh Niên ngày 9.11, tôi đã đưa nội dung bài báo này lồng vào tiết học ngữ văn như một ‘trải nghiệm’.

Tôi từng học tốt môn toán, thi học sinh (HS) giỏi toán nhưng vẫn bị ám ảnh bởi môn học này trong “giấc mơ còn thức”.

Thế là, trong giờ văn sau khi có bài báo Đừng để mỗi giờ toán là một nỗi hãi hùng, tôi và HS dành kha khá thời gian bàn về việc học toán.

Tôi nhận được nhiều sự chia sẻ chân thật từ học sinh lớp 12 (đang học chương trình cũ) và lớp 10 (đang học chương trình mới) về “nỗi hãi hùng” đối với môn toán.

Dù một số em đang học khá tốt môn toán nhưng đều “ám ảnh” với nhiều góc độ khác nhau: môn học khó nuốt, thiếu thực tế, áp lực điểm số bạn bè trong lớp, áp lực từ gia đình… Có những HS ám ảnh từ ngày này qua tháng nọ, năm này qua cấp kia. Nỗi sợ toán, ám ảnh về môn toán có khi là… cả một bầu trời của thời áo trắng.

Các HS lớp 12 như Hoàng Tùng chỉ ra rằng ngoài sự thú vị, môn toán có nhiều vấn đề hàn lâm trong việc học và nội dung học chưa được gắn nhiều với thực tiễn nên HS ít vận dụng thực tế.

Còn Hoàng Lan chia sẻ: “HS bây giờ rất ám ảnh môn toán. Ám ảnh điểm số, áp lực từ những con số và chính các bậc phụ huynh đã từng tạo ra cho các con mình về điểm số môn toán. Môn toán là một môn khiến các bạn áp lực, sợ hãi và chán nản vì quá nhiều con số, điểm số và một phần sợ phụ lòng ba mẹ”.

Và điều Lan mong muốn là: “Em mong được học toán những điều cần áp dụng vào thực tế ngoài đời chứ không 'thực tế trên sách vở'. Đừng gây áp lực cho HS về những con số và đừng khiến cho môn toán phải là môn ám ảnh, tồi tệ. Môn toán hãy chỉ là môn thông thường".

Nhiều học sinh cảm thấy áp lực vì điểm số môn toán

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn HS Gia Linh nhìn nhận: “Nỗi ám ảnh môn toán phát sinh từ các bài tập quá khó, chỉ cần sai một lỗi nhỏ trong bài đó cũng có thể trừ sạch hết điểm số. Có những bài học thật sự không cần thiết trong đời sống nhưng vẫn giảng dạy và sau này không sử dụng đến và dần bị lãng quên. Cần phải thay đổi cách học nhẹ nhàng hơn đối với HS, giúp HS nắm vững kiến thức thực sự có ích và quan trọng”.

Dù học khá tốt môn toán nhưng Minh Xuân vẫn cho rằng “bị ám ảnh bởi sự thúc ép và kèm cặp của giáo viên và người nhà”. Tương tự, Anh Thư chia sẻ: “Em từng bị ám ảnh môn toán suốt những năm tháng ở cấp hai nên ghét môn học này. Một phần vì áp lực điểm số từ gia đình, phần lớn là do giáo viên dạy theo kiểu cũ-truyền thụ khiến môn học trở nên nhàm chán. Trong tương lai, em mong muốn giáo viên dạy theo hướng hiện đại hơn, thêm các trò chơi ứng dụng vào bài học để HS nhanh hiểu hơn, tạo động lực và sự hứng thú để học hơn”.

Đồng quan điểm trên, những HS lớp 10 cũng cho rằng những bài toán khó, xa vời thực tế, áp lực điểm số… khiến các em học toán với “trái tim không ngủ yên”, mệt mỏi, căng thẳng.

Với chương trình mới, nhiều HS lớp 10 như Thùy Diệu, Phi Yến cùng nhận xét: “Chương trình mới thay đổi khá nhiều, có quá nhiều công thức, số lượng bài tập cũng tăng nhiều gây áp lực và khiến cho tâm lý HS chán nản, khó thích nghi”. HS Quang Bảo thì chia sẻ: “Điểm toán lúc nào cũng làm cho trái tim của các bạn rỉ máu khi nghe tin phát điểm”.

Làm thế nào để HS không phải mệt mỏi, ám ảnh với môn học này? Đó là một câu hỏi lớn mà người lớn chúng ta - những phụ huynh sính điểm cao, thầy cô dạy toán, các chuyên gia, Bộ GD-ĐT - cần trả lời. Hãy để HS học được những bài học thú vị, thiết thực với cuộc sống.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”

Theo thống kê, hơn 70% học sinh lên cấp THPT có ấn tượng không tốt lắm với môn toán. Con số này phản ánh một thực tế tồn tại trong các thế hệ học sinh: Sợ học toán.

Làm thế nào để thấy được vẻ đẹp của toán, không còn ám ảnh, sợ hãi; học với sự chủ động… là mong muốn của rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Báo Thanh Niên mong muốn nhận được ý kiến, chia sẻ của bạn đọc qua diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email: thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Trân trọng cảm ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.