Đề kiểm tra ngữ văn lớp 8 không sai nhưng khó với học sinh

16/12/2017 13:38 GMT+7

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra học kỳ môn ngữ văn vào ngày 15.12, học sinh lớp 8 (Q.3, TP.HCM) tỏ ra lo lắng với câu nghị luận xã hội trong đề kiểm tra này.

Nhiều học sinh cho rằng, vấn đề đặt ra quá khó, không biết suy nghĩ của mình có đúng với nội dung của ngữ liệu muốn thể hiện hay không?. Bên cạnh đó, một số giáo viên thông tin đề bài này có nội dung tương tự với câu hỏi có trong bộ đề thi Olympic 30.4 dành cho học sinh THPT của tỉnh Vĩnh Long.
Theo đó, đề kiểm tra đưa ra đoạn trích của nhà văn Nguyễn Khải:
“Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần. Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng".
Sau đó, đề yêu cầu học sinh viết văn bản nghị luận khoảng 1 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về những điều gợi lên từ nội dung trên.
Đoạn trích đã được ra trong bộ đề thi nghị luận xã hội trong kỳ thi Olympic 30.4 của tỉnh Vĩnh Long Ảnh: B.C
Một giáo viên THCS tại Q.3, TP.HCM, xác nhận: "Câu hỏi sử dụng đoạn trích trong bộ đề thi nghị luận xã hội trong kỳ thi Olympic 30.4 của tỉnh Vĩnh Long. Câu hỏi có thay đổi hình thức câu chữ nhưng không thay đổi nội dung đòi hỏi học sinh phát biểu suy nghĩ về vấn đề của đoạn trích".
Giáo viên trên nói thêm, theo quan điểm cá nhân, yêu cầu về kiến thức không sai nhưng với học sinh lớp 8 khó khăn khi nhận diện vấn đề của đoạn trích này. Bởi các em mới tập làm quen với câu hỏi nghị luận xã hội từ đầu năm đến nay, đề thi chỉ nên đưa ra những vấn đề gần gũi như tính trung thực, nhân ái, khiêm tốn... để các em dễ dàng bộc lộ quan điểm, suy nghĩ.

tin liên quan

Đề thi ngày càng thực tế hơn: Đưa Chi Pu vào đề thi, có sao?
Trong xu thế vận dụng thực tiễn cuộc sống vào việc dạy và học, vài năm gần đây, giáo viên luôn cố gắng đưa những sự kiện nhiều người quan tâm vào đề thi ở nhiều góc cạnh tùy từng môn. Sự đồng tình của dư luận về cách làm này cũng nhiều nhưng phản ứng cũng không kém.
Trước phản ánh này, bà Dương Hữu Nghĩa, Phó phòng Giáo dục Q.3, nói rằng nội dung trích dẫn hiện nay đa dạng và phong phú, giáo viên nào cũng có thể sưu tầm sao cho phù hợp với lứa tuổi và thực tế cuộc sống. Khi sử dụng trích dẫn chúng tôi quan tâm đến tính giáo dục để học trò nhận định, suy nghĩ chứ không quan tâm rằng đã có trường nào hay tỉnh nào sử dụng. Chẳng hạn sự kiện, đoạn phim quay cảnh học trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ được nhiều trường, nhiều môn học đưa vào đề kiểm tra. Ở đây cũng tương tự, quan trọng là đúng với kiến thức của khối lớp.
Bà Nghĩa còn cho rằng, nếu nói chúng tôi lấy đề thi của học sinh THPT để yêu cầu học sinh THCS làm e rằng khiên cưỡng. Bởi từ nội dung trích dẫn đó, học sinh THCS thể hiện suy nghĩ của lứa tuổi của mình là đúng yêu cầu. Còn học sinh THPT phải thể hiện những yêu cầu ở mức độ cao hơn, nói lên chính kiến...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.