Đề kiểm tra ngữ văn về 'phông bạt': Tranh luận vì điều gì?

Bích Thanh
Bích Thanh
31/10/2024 05:45 GMT+7

Đề kiểm tra ngữ văn giữa kỳ của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) với 17 từ, tạo ra những ý kiến về việc bắt 'trend' (xu hướng) thế nào là phù hợp và đặc biệt lưu ý về nguyên tắc biên soạn đề.

Đề kiểm tra giữa kỳ dành cho học sinh một lớp 10 của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi có nội dung: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Điều mà học sinh (HS) thích thú và giáo viên (GV) đánh giá cao là "bắt trend" với đời sống giới trẻ, phân hóa cao, bàn về một hiện tượng đời sống gần gũi với tâm lý HS. Điều này giúp HS hứng thú trong việc làm bài, GV chấm bài cũng đỡ nhàm chán.

"PHÔNG BẠT": TIẾNG LÓNG NÊN PHẢI CÓ GIẢI THÍCH

Tuy nhiên, các GV cũng đưa ra ý kiến đánh giá về hình thức biên soạn cũng như nội dung yêu cầu của đề bài kiểm tra trong tổng quan yêu cầu của chương trình.

Thạc sĩ Trần Lê Duy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng cụm từ "lối sống phông bạt" là tiếng lóng trên mạng xã hội, có thể gây khó hiểu cho HS. Vì thế GV cần cung cấp ngữ liệu hoặc ngữ cảnh để HS hiểu chính xác. Người ra đề cũng cần cân nhắc xem có nhất thiết phải dùng "lối sống phông bạt" hay có cách diễn đạt nào giản dị, trong sáng, dễ hiểu hơn không?

Đề kiểm tra ngữ văn về 'phông bạt': Tranh luận vì điều gì?- Ảnh 1.

Một giờ học môn văn của học sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều GV khác cũng đồng tình khi cho rằng lẽ ra từ "phông bạt" phải được để trong ngoặc kép, đây là từ tiếng lóng, ít thông dụng, không phải HS nào cũng hiểu được. Do đó GV cần có chú thích tường minh. Đề kiểm tra sẽ hay hơn nếu có câu dẫn chuyện, chỉ ra một số người trẻ có biểu hiện như thế từ thực tế cuộc sống.

Bên cạnh đó, có GV còn không đồng tình với cụm từ "lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" và cho rằng đã quy chụp hầu như các bạn trẻ đều có lối sống như thế. Nên chăng cần sửa lại "lối sống phông bạt của một số bạn trẻ hiện nay".

Đề thi bàn về ‘Lối sống phông bạt’: Học sinh nghĩ gì?

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng đề kiểm tra ra 45 phút là chưa đúng với Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá HS THCS, THPT tối thiểu 60 phút. Ngoài ra, đề chỉ có một phần viết, không có phần đọc hiểu để HS nhận diện các đặc trưng của thể loại như định hướng của chương trình. Cách ra đề có phần vội vàng, hời hợt.

Bàn về tính giáo dục của đề, thầy Lê Hải Minh, dạy ngữ văn tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: "GV chọn vấn đề hoặc cố gắng 'bắt trend' để mang lại sự hào hứng, hứng thú cho HS nhưng cần lưu ý tính giáo dục của đề là một trong những yếu tố rất quan trọng".

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐẢM BẢO VỚI ĐỀ KIỂM TRA

Thạc sĩ Trần Lê Duy chỉ ra đề kiểm tra phải đảm bảo yêu cầu cần đạt theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thể hiện qua ma trận và bảng đặc tả. Đảm bảo tính khoa học, diễn đạt trong đề phải chính xác, không đa nghĩa, không mơ hồ, ngữ liệu trích dẫn đúng, dẫn nguồn đúng quy cách; kiến thức, thông tin đưa vào trong đề phải chuẩn, không sai sót. Về tính thẩm mỹ, giáo dục thì nội dung đề hướng đến giá trị cao đẹp, gửi gắm các bài học tích cực; định hướng HS đến các giá trị chân thiện mỹ.

Đề kiểm tra ngữ văn về 'phông bạt': Tranh luận vì điều gì?- Ảnh 2.

Đề thi đang gây tranh luận

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ ra rằng chọn những vấn đề nóng trong xã hội thể hiện sự cập nhật tốt tin tức của người làm đề, tạo điều kiện cho HS dễ dàng bắt nhịp vào bài làm... Dẫu vậy, đây vẫn là một tình huống 50/50 với người ra đề vì dễ gây tranh cãi, đón nhận phản ứng trái chiều từ dư luận.

Hơn thế, vấn đề xã hội đưa vào bài văn cho HS cần cân nhắc kỹ về sự tương thích, phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi của các em. Thêm vào đó, vấn đề nghị luận xã hội nên là một tình huống gần gũi với kinh nghiệm xử lý của HS để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực.

Từ đó, thạc sĩ Khôi lưu ý GV khi biên soạn đề phải rất cẩn trọng trong lựa chọn luận đề. Chẳng hạn với đề thi này, dùng từ "phông bạt", người ra đề cần sử dụng thành phần phụ chú hoặc chú thích phía dưới để tường minh về nghĩa của nó. Nếu có một ngữ liệu đọc được trích dẫn từ nguồn tin cậy và chuyển đổi câu lệnh thành "Hãy viết bài văn về hiện tượng được nêu lên trong bài viết/bài báo trên" thì đề thi sẽ ổn hơn.

"Làm đề thi, dù ở phạm vi nào, cấp độ gì cũng nên đặt tiêu chí "an toàn, phân hóa tốt" lên trên hết. Những nhận xét của dư luận như "hay/dở, cũ/mới, mang hơi thở của đời sống/thiếu gắn kết với thực tế" không thể cụ thể hóa thành các tiêu chí và cũng chưa bao giờ là tiêu chí để đánh giá đề thi", thạc sĩ Khôi nhận định.

Bộ vừa ban hành tài liệu tập huấn GV cốt cán về xây dựng đề kiểm tra

Theo GV một trường THPT tại Q.1, TP.HCM, GV khi ra đề cần bám sát yêu cầu cần đạt và Sở GD-ĐT có những định hướng về việc ra đề .

GV này cũng cho biết tháng 10.2024, Bộ GD-ĐT mới ban hành bộ tài liệu tập huấn cho GV cốt cán về việc xây dựng đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn cấp THPT. Như vậy cho đến thời điểm này mới có hướng dẫn cụ thể và cũng chỉ GV cốt cán mới tiếp cận với tài liệu này. Cho nên một số sai sót, hạn chế trong việc ra đề kiểm tra của GV hoàn toàn có thể hiểu được vì GV dạy chương trình mới đang trong quá trình tìm đường để thay đổi, tiếp cận. Hy vọng tài liệu hướng dẫn được phổ biến, đến tay từng GV. Các trường cũng cần những buổi sinh hoạt chuyên môn kỹ lưỡng và đặc biệt nên có phản biện đề kiểm tra.

Ra đề kiểm tra, tiêu chí GV cần lưu ý

Ra đề văn, GV trước tiên cần cảm xúc (ở thời điểm tìm kiếm ý tưởng), sau đó thì phải dùng lý trí để kiểm soát chặt chẽ hình thức, nội dung, từng dấu chấm, dấu phẩy trong đề, lường hết tình huống mà cắt gọt hợp lý. Ra đề văn có những nội dung như "phông bạt" phải cẩn trọng và cần có sự đồng thuận trong tổ (nhóm) chuyên môn.

Đề thi cần tính mô phạm. Ngữ liệu sử dụng mang hơi thở cuộc sống là đúng nhưng khi một hiện tượng, trào lưu… được giới trẻ quan tâm, GV muốn tích hợp vào đề kiểm tra thì hãy cân nhắc, dùng bộ lọc để tinh ngữ liệu. HS phổ thông cần dạy các em sống lễ phép, bao dung, ngay ngắn, có ước mơ, biết khởi nghiệp, chăm đọc sách, tích cực rèn luyện thân thể. Đề kiểm tra xoáy vào đó giúp HS phát triển năng lực và phẩm chất cho dù luôn "bắt trend".

Có lần, tôi đề nghị giáo GV văn đưa câu chuyện HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, cúi đầu chào bác bảo vệ mỗi khi đến trường làm ngữ liệu cho đề kiểm tra. Ai cũng thích thú, khen ngợi nhưng quan trọng hơn, sau kiểm tra lần đó, HS trường tôi dần dần quen nếp cúi đầu chào bác bảo vệ.

Từ một đề kiểm tra văn, tôi xúc động nhận quả ngọt, thứ quả hạnh phúc!

Ra đề kiểm tra đòi hỏi GV nỗ lực rèn luyện phương pháp, cập nhật kiến thức, chăm đọc sách, gần gũi đời sống (thật) và vững vàng đời sống (ảo).

Quyền ra đề kiểm tra để đánh giá HS chỉ là phần cứng, còn quyền uy lớn nhất của người thầy là qua hoạt động sư phạm chung tay xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, dạy ra dạy, học ra học. Học đường là "ngôi đền thiêng" thì những bình luận "phông bạt" sẽ cuốn theo chiều gió…

TS Nguyễn Hoàng Chương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.