Để làm tốt phần đọc hiểu môn văn

11/04/2015 09:00 GMT+7

Đọc hiểu là một phần trong cấu trúc đề thi môn ngữ văn mới thực hiện từ năm học 2013 - 2014 nên nhiều học sinh còn chưa quen với các thao tác làm bài câu này.

Đọc hiểu là một phần trong cấu trúc đề thi môn ngữ văn mới thực hiện từ năm học 2013 - 2014 nên nhiều học sinh còn chưa quen với các thao tác làm bài câu này.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ ôn tập môn ngữ văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ ôn tập môn ngữ văn
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mặc dù tỷ lệ điểm khoảng 30% tổng điểm số bài làm nhưng phần này có vai trò quan trọng quyết định điểm số toàn bài thi, giúp thí sinh (TS) có cơ hội trúng tuyển cao. Để giúp các TS phát huy được năng lực làm bài phần đọc - hiểu đạt điểm tối đa, với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp dạy ôn thi, tôi xin khái quát những kiến thức và kỹ năng làm bài cơ bản để có một kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.
Trước hết, TS cần nắm được kiến thức trong phần ngữ liệu đọc hiểu được trích dẫn, thường thơ hoặc/và văn xuôi, có khi trích một số văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ khác, trong đó có thể ra ngoài chương trình sách giáo khoa. Phần này tập trung kiểm tra: đọc hiểu nội dung chính, các thông tin quan trọng của văn bản, hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản. Kiểm tra kiến thức về từ ngữ (các loại từ, nghĩa của từ); cách phân chia câu, các loại câu, các dạng câu sai; dấu chấm câu, chức năng của từng dấu; các loại phong cách ngôn ngữ. Đọc hiểu một số biện pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ ngữ âm, từ vựng ngữ nghĩa, cú pháp trong văn bản và nêu tác dụng của chúng. Với nội dung kiến thức trên, nếu TS không hoặc chưa nắm vững thì cần phải ôn luyện ngay từ bây giờ, vì có nắm được lý thuyết mới hiểu và làm bài tốt.
Về mặt kỹ năng làm bài, đầu tiên TS cần phải có khả năng nhận biết đề như một yêu cầu bắt buộc. Nhận biết rõ ngữ liệu trích dẫn trong đề là ngữ liệu được trích ở đâu (sách giáo khoa, báo chí, tác phẩm văn học ngoài sách, hoặc các nguồn khác…); thể loại văn bản được trích dẫn là gì (văn xuôi, thơ, các loại văn bản khác); văn bản được trích dẫn thuộc phong cách ngôn ngữ nào; có tất cả mấy câu hỏi trong yêu cầu, mỗi câu hỏi có mấy ý cần trả lời; nội dung yêu cầu của từng câu hỏi ra sao, mỗi nội dung đó cách trả lời như thế nào.
Từ sự nhận biết trên, TS sẽ định hướng được cách làm bài để đáp ứng cả yêu cầu hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, chữ viết phải rõ ràng, cách trả lời phải theo từng yêu cầu đề, không được trả lời chung chung. Mỗi câu phải tách bạch bằng việc đánh số câu tương ứng với số câu trong đề, trả lời trọn vẹn những ý đã hỏi. Khi hết câu phải xuống đoạn đánh số và trả lời câu hỏi khác. Chú ý phần này không viết thành đoạn, bài văn dài dòng mà chỉ trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm. Tùy theo câu hỏi mà có thể trả lời bằng một đoạn văn hoặc bằng những ý gạch đầu dòng cho tương ứng. Về nội dung phải trả lời đúng với yêu cầu câu hỏi, sát nghĩa, sâu và mang tính khoa học.
Không được hỏi một đằng trả lời một nẻo, hỏi hai vấn đề nhưng chỉ trả lời một, cũng không trả lời câu này chưa xong lại sang câu khác. Về thời gian trình bày, do câu đọc hiểu chỉ 30% tổng số điểm bài thi nên TS cần phân bố lượng thời gian làm bài câu này khoảng 30 đến 40 phút trở lại cho phù hợp với lượng thời gian 180 phút của toàn bài. Tránh tình trạng sa vào câu này mà ảnh hưởng đến thời gian làm câu khác.
Khai thác Atlat để đạt điểm cao môn địa
Để nắm chắc phần thắng khi lựa chọn địa lý làm môn thi, TS cần nắm vững các phương pháp khai thác kiến thức từ Atlat địa lý.
Để sử dụng hiệu quả Atlat địa lý VN trong học tập, kiểm tra và thi, TS cần nắm vững phương pháp khai thác, trình tự của Atlat: hiểu hệ thống ký hiệu bản đồ nằm ở trang 3 của Atlat địa lý VN. Nhận biết được phạm vi, giới hạn và đọc được tên các đối tượng địa lý trên bản đồ. Xác định phương hướng, khoảng cách, vĩ độ, kinh độ, kích thước, cấu trúc, hình thái và vị trí các đối tượng địa lý trên lãnh thổ.
Mô tả đặc điểm đối tượng trên bản đồ. Xác định các mối liên hệ không gian trên bản đồ. Xác định các mối liên hệ tương hỗ và nhân - quả: Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, thực vật, động vật, dân cư, kinh tế. Giải thích sự phân bố các đối tượng địa lý, phân tích được mối quan hệ giữa chúng... Đánh giá các nguồn lực phát triển ngành và vùng kinh tế. Trình bày được tiềm năng và hiện trạng của một ngành, lãnh thổ. Phân tích được mối quan hệ giữa các ngành và lãnh thổ kinh tế với nhau. So sánh được các vùng kinh tế, trình bày được đặc điểm tổng hợp của một lãnh thổ.
Tô Văn Quy
(giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.