Để mỗi giờ lên lớp là niềm vui

19/11/2018 08:30 GMT+7

Khi giáo viên không hạnh phúc, giờ học sẽ không tích cực, học sinh cũng không hạnh phúc, thậm chí nhiều tiêu cực học đường sẽ xảy ra. Vậy làm thế nào để giáo viên hạnh phúc mỗi giờ lên lớp?

Yêu nghề mới trụ được với áp lực
Những ngày gần đây, câu chuyện nhiều giáo viên (GV) tại Hà Nội nhập viện vì bị trầm cảm khiến nhiều người xót xa và đặt câu hỏi: “Phải chăng nghề giáo hiện nay quá nhiều áp lực và thách thức?”.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Cambridge Bình Dương, nhìn nhận GV phải thật sự yêu nghề thì mới trụ được với nghề giáo trong thời buổi hiện nay vì có quá nhiều thách thức và áp lực.

Theo ông Dũng, trước hết do đồng lương của nghề giáo không đủ nuôi sống bản thân nên rất nhiều GV phải bươn chải nhiều công việc khác nhau, vì thế không có được toàn thời gian để đầu tư cho việc giảng dạy. Hệ giá trị ngày nay có nhiều thay đổi, một số phụ huynh xem con mình là bất khả xâm phạm nên khi người thầy lỡ có hình phạt hơi quá mức thì bị cho là trù dập. Bên cạnh đó, GV còn chịu áp lực về thành tích...
Xem nghề giáo như nghề chia sẻ
Theo thạc sĩ Tô Nhi A, giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, để hạnh phúc với một điều gì đó trước hết phải là sự tự nguyện. “Không thể phủ nhận vai trò của quản lý nhà nước và các yếu tố khác có liên quan trong việc góp phần tạo nên hạnh phúc của GV, nhưng trước hết, phải là sự chủ động của từng thầy, cô giáo. Chủ động nhận ra điều mình còn thiếu, chủ động phát triển bản thân, chủ động thừa nhận mỗi nghề đều có gian nan thách thức... Đó là cách để tạo nên hạnh phúc”, chị Tô Nhi A khuyên.
Còn theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, để luôn hạnh phúc mỗi giờ lên lớp là điều hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi bản lĩnh, tâm thế hết sức bình tĩnh của mỗi GV. Một GV mà để cảm xúc tiêu cực lôi mình đi sẽ dễ mất bình tĩnh, mất kiểm soát bất cứ lúc nào.
Tiến sĩ Thúy đưa ra 3 bí quyết: Thứ nhất nên ý thức nghề giáo là nghề chia sẻ chứ không phải dạy dỗ ai đó. Mang tâm thế nghề chia sẻ để tạo cơ hội cho mọi người được trao đổi, được tương tác, chủ động và sáng tạo trong giờ học. Kế đến là hãy ý thức rằng được chia sẻ kiến thức là một điều may mắn, vì thế hãy trân trọng. Cuối cùng, thái độ của GV là quan trọng nhất. Vào lớp với thái độ tích cực, sẵn lòng cùng chia sẻ, lắng nghe phản hồi từ học trò sẽ làm cho người học có hứng thú để học.
Ôm từng học trò trước mỗi giờ tan học
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng lan truyền đoạn clip cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 4 Trường tiểu học An Phú 2 (xã An Phú, H.Củ Chi, TP.HCM) ôm học trò thắm thiết trước mỗi giờ tan học.
Đến lớp học của cô Phương, chúng tôi được chứng kiến khoảnh khắc ấn tượng: trước khi ra về, cô Phương dang tay ra hỏi: “Cô muốn ôm các bạn, có bạn nào muốn ôm cô không?”, thế là HS xếp hàng ngay ngắn và những vòng tay cô trò lần lượt đan lấy nhau. “Khi mình ôm các em thật chặt, sẽ lan tỏa được tình cảm yêu thương như một người mẹ, từ đó đứa trẻ mới dễ chấp nhận, gần gũi mình hơn. Cũng nhờ đây, mà có em nào không chịu ôm là mình biết hôm đó em không vui hay không hài lòng chuyện gì, từ đó mình tìm hiểu và giải quyết”, cô Phương chia sẻ.
Cô Phương chia sẻ việc dạy học là làm sao để HS thấy vui và có hứng thú nhất. Có nhiều thầy cô dạy rất giỏi, nhưng thường hay la học trò nên tự tạo áp lực cho mình và HS. “Với mình, cho dù bị thanh tra chuyên môn và mình còn thiếu sót, không hoàn thành sổ sách đúng quy định… nhưng mọi áp lực đều đặt ngoài cửa lớp. Mỗi khi bước vào lớp, mình luôn nở nụ cười và tạo sự hứng thú cho HS”, cô Phương bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.