Sống ở Lái Thiêu (Bình Dương), Nguyễn Ngọc Mai học đan len móc qua những video, bài viết ngắn do thầy Hoàng Quang giảng dạy. Những mũi móc, những sản phẩm hoàn thiện đầu tiên trong nghề của Hà là từ các bài giảng của thầy. “Đến bây giờ, tôi có cửa tiệm bán hàng online những sản phẩm túi xách, thú nhồi bông, khăn quàng cổ… dù chưa có điều kiện gặp mặt, nhưng tôi vẫn luôn biết ơn thầy, người đã cho tôi cái nghề ngày hôm nay”.
Chưa bao giờ gặp mặt nhưng khi nhắc đến giáo viên của mình, Lê Thành Đạt (25 tuổi, nhân viên content marketing tại Q.1, TP.HCM) không giấu vẻ tự hào nói: “Khi đi làm, mỗi lần nhận phản hồi của khách hàng mình run lắm, vì biết là kế hoạch của mình làm chưa tốt, chưa diễn giải cho khách hàng hiểu ý tưởng. Một dịp tình cờ, mình lang thang trên mạng, bắt gặp khóa dạy viết online của cô Phạm Lan Phương nên đăng ký ngay. Theo lịch học, mỗi buổi sáng cô và trò gọi qua video, cô giảng bài, đưa ra các ví dụ, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của mình, ra bài tập để mình làm. Nhờ vậy, chỉ sau 10 buổi học mà mình sửa được nhiều lỗi và tiến bộ rõ rệt”.
Chị Trần Thi Ngôn (ngụ Q.9, TP.HCM, chủ một cửa hàng thức ăn chế biến sẵn) chia sẻ về người thầy Foodblogger Chánh Trần của mình: “Thầy không giấu nghề, cứ clip nào đăng tải trên mạng là chỉ dẫn từng li từng tí, rất dễ học, dễ áp dụng tại nhà. Sau thời gian học trên mạng, vài năm sau tôi mới có dịp đến gặp trực tiếp thầy Chánh qua mấy buổi offline. Thầy ảo giờ thành thầy thật luôn rồi”.
Thời đại 4.0, quan niệm về thầy - trò cũng khác. Giờ đây, dù người thầy có thể không đứng trên bục giảng, mà đứng trước máy quay, trước điện thoại livestream, chia sẻ những kỹ năng nghề nghiệp mà họ tích lũy cho mọi người. Học trò có thể là những người nội trợ ở nhà, nhân viên văn phòng, những bạn sinh viên..., họ học qua tin nhắn, học qua video…, nhưng tựu trung tình cảm thầy - trò vẫn đong đầy, gắn kết.
Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)