Đề nghị bắt buộc đóng BHXH với cả lao động hợp đồng 1 tháng

23/10/2014 13:07 GMT+7

(TNO) Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Quốc hội, sáng nay 23.10, cơ quan thẩm tra dự luật cho biết nhiều ĐBQH tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc có thời hạn từ 1 - 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc .

>> Hơn 500 đơn vị nợ BHXH trên 125 tỉ đồng
>> Thu BHXH, BHYT, BHTN qua ngân hàng
>> Doanh nghiệp chịu trả nợ BHXH vì muốn 'né' tòa án
>> Chủ nhà phải trả tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra dự luật, việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Tuy nhiên bà Mai cũng cho biết vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này.

 Lao-dong-thoi-vu
Đề xuất mở rộng diện đóng BHXH tới cả lao động thời vụ - Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng để đảm bảo tính khả thi đối với chính sách này, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, BHXH Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh đó, theo bà Mai, cần tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.

Đồng tình với quan điểm về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhưng ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng việc quy định hợp đồng 1 - 3 tháng phải đóng BHXH là khó khả thi.

Theo ĐB Phương, trên thực tế để thực hiện đóng BHXH thì việc lập danh sách, làm thủ tục rồi tìm cơ quan bảo hiểm để lập sổ sẽ không đảm bảo thời gian. Trong nhiều trường hợp khi đã có sổ BHXH thì người lao động đã hết hợp đồng.

Theo ông Phương cần bổ sung điều khoản sau khi hết hợp đồng 1 - 3 tháng nếu đơn vị sử dụng lao động tiếp tục ký hợp đồng thì phải tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc.

“Bản chất của vấn đề là luật cũ quy định trên 3 tháng mới phải đóng bảo hiểm nên các đơn vị sử dụng lao động, kể cả cơ quan nhà nước đã lách luật bằng cách ký liên tiếp các hợp đồng 3 tháng”, ĐB Phương cho biết.

Liên quan đến BHXH với lực lượng vũ trang (LLVT), Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi trả lương hưu cho LLVT mà không nên chi từ quỹ chung.

Lý do, theo ĐB Phúc, đối tượng LLVT nghỉ hưu không theo luật lao động mà theo quy định của ngành. Bên cạnh đó thang, bảng lương của LLVT cũng cao hơn người lao động các ngành nghề và thời gian hưởng lương hưu dài.

“Nếu lấy từ Quỹ BHXH là không phù hợp, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng lao động các ngành nghề khác”, ĐB Phúc nhấn mạnh.

Về cơ bản, so với Luật BHXH hiện hành (năm 2006), dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung những chính sách mới, cụ thể như sau:

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 - dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc; có chính sách khuyến khích đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH. Từ 1.1.2018, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ.

Để đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia và cân bằng quỹ, dự thảo Luật quy định:

+ Điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam.

+ Điều chỉnh cách tính lương hưu, trợ cấp một lần trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người tham gia theo lộ trình để không tạo khoảng chênh lệch lớn lương hưu của khu vực cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang giữa các thời kỳ…

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.