Đề nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, tránh tình trạng 'chạy điểm'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/02/2023 10:39 GMT+7

Một trong những nội dung được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này kiến nghị Bộ GD-ĐT, đó là cần: "Nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học (ĐH) bằng học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường".

Về điều này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây đã trả lời bằng văn bản; trong đó nhắc lại quy định tại luật Giáo dục ĐH cho phép các cơ sở đào tạo tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh.

Cử tri đề nghị bỏ xét tuyển ĐH bằng học bạ để tránh tình trạng 'chạy điểm' - Ảnh 1.

Cử tri lo ngại xét tuyển ĐH bằng học bạ sẽ nảy sinh tiêu cực "chạy điểm" (ảnh minh họa)

NGỌC THẮNG

Cụ thể: "Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh".

Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa quy định của luật Giáo dục đại học. Trong đó, quy chế cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, đồng thời để các cơ sở giáo dục ĐH thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh; quy định Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.

Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: "Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học". 

NGHE NHANH 6H ngày 10.2: Bộ trưởng “hơi chạnh lòng” vì đăng kiểm | Bé gái cứu em trai trong động đất

Lo ngại học phí một số khối, ngành tăng rất cao 

Liên quan đến vấn đề học phí, cử tri tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm việc nhiều trường ĐH, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình, chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân. Cùng đó, điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí.

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT để áp dụng từ năm học 2021 - 2022. 

Theo đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục ĐH công lập năm học 2021 - 2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí điều chỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm; dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại việc đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20.12.2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Theo đó, giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021 - 2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống. 

Mặc dù vậy, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và chính sách tuyển sinh; trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Xem nhanh 12h: Dior, Chanel giả trong trạm nghỉ | Phạt cô đồng “đúng nhận, sai cãi”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.