Ngày 16.8, trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018” tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh QH Võ Trọng Việt cho hay cả nước có 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7.2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ... Tuy nhiên, việc xử lý đối với các công trình này gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này. “Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta hay của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư? Nếu các cơ quan chức năng làm chặt từ đầu, thì chắc các chủ đầu tư không dám làm như thế, có làm thì phải xử lý ngay từ đầu. Bây giờ, 110 nhà cao tầng, chung cư đã vận hành, người dân đã vào sống mà chưa nghiệm thu PCCC nếu xảy ra cháy thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Thanh nêu.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thì việc buông lỏng quản lý là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. “Báo cáo nêu được bao nhiêu địa phương, bộ, ngành, bao nhiêu công trình, dự án có vi phạm nhưng trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể quản lý nhà nước ở đây là ai thì chưa rõ”, ông Lưu nói.
Có ảnh hưởng cũng phải công khai
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn lại đánh giá báo cáo của đoàn giám sát cho rằng “có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra về công tác PCCC”, đồng thời đề nghị cần phải làm rõ và chấn chỉnh ngay.
“Có hiện tượng phạt cho tồn tại hay không đối với 2.662 công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC? Đề nghị các đồng chí phải công khai ngay và trách nhiệm thuộc về ai”, bà Hải nói, đồng thời đề nghị công khai ngay với 2.662 công trình này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, báo cáo giám sát phải thể hiện được tính cảnh báo và sự đánh giá bởi khi QH tổ chức thảo luận tại kỳ họp thứ 8 tới đây sẽ có nhiều hậu quả đi theo, tốt có, xấu có. “Ví dụ, bao nhiêu nghìn chung cư vừa rồi cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu PCCC, được kiểm tra”, ông Định nói và cảnh báo: “Nếu không cẩn thận mà tuyên bố lên, dân sợ không mua nhà chung cư, thị trường bất động sản sụt giảm ngay”.
Không đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga, thành viên đoàn giám sát, cho rằng: “Doanh nghiệp nào làm như vậy mà bán nhà, sau này khách không mua thì phải chịu”.
Mỗi ngày trung bình xảy ra 9 vụ cháyTheo báo cáo của Chính phủ, từ tháng 7.2014 - 7.2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỉ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỉ đồng và 1.615,5 ha rừng. Mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỉ đồng và 5,3 ha rừng. Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đánh giá, nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn rất lớn trong thời gian tới. “Các đồng chí vừa xem clip chiếu về khu nhà cao tầng mới xây dựng, 7 - 8 khu nhà không có lối để cho xe PCCC vào, thử hỏi triển khai công tác chữa cháy như thế nào, chưa nói đến vấn đề phòng ngừa”, ông Vương nói.
|
Bế mạc phiên họp thứ 36 UBTVQHPhát biểu bế mạc phiên họp thứ 36 của UBTVQH sáng 16.8, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá sau 1 tuần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, UBTVQH đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan phải lưu ý để tích cực, khẩn trương chỉ đạo sát sao, chặt chẽ công tác chuẩn bị cho các nội dung trong dự kiến chương trình của phiên họp lần thứ 37 diễn ra vào tháng 9.
|
Bình luận (0)