Đề nghị giảm giờ làm khu vực tư từ 48 xuống 40 giờ/tuần

Mai Hà
Mai Hà
31/10/2023 16:10 GMT+7

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.

Chiều 31.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung kinh tế - xã hội. Nêu góp ý về năng suất lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn khi chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 - 4,76% (chỉ tiêu QH giao là 5 - 6%). Đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Ông Nghĩa cũng đề nghị giảm giờ làm của người lao động ở khu vực tư.

Đại biểu đề nghị giảm giờ làm khu vực tư từ 48 giờ xuống 40 giờ/tuần - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

GIA HÂN

"Đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016 - 2018", đại biểu Nghĩa nêu và đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt.

Đáng chú ý, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới, nhưng giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm (48 giờ) trong khi giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa: Đề nghị giảm giờ làm khu vực tư từ 48 xuống 40 giờ/tuần

"Người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã thực hiện từ 1999)", ông Nghĩa nêu.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng bày tỏ băn khoăn về độ mở cao của nền kinh tế. Năm 2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 trên thế giới về quy mô kinh tế. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. 

Theo ông Nghĩa, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao. 

"Tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu", đại biểu Nghĩa nêu và đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động độ mở của nền kinh tế bao nhiêu là phù hợp. 

Theo bộ luật Lao động, giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; nếu quy định giờ làm việc theo tuần thì không quá 10 giờ một ngày và 48 giờ một tuần.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. 

Doanh nghiệp khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.