Đề nghị JBIC tập trung hỗ trợ về tham vấn chính sách, nguồn vốn

23/07/2022 06:39 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản và JBIC tập trung hỗ trợ về tham vấn chính sách, nguồn vốn.

Sáng 22.7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản và JBIC tiếp tục tích cực tham mưu, tư vấn chính sách với Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản; tiếp tục trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tìm ra những phương thức hợp tác hiệu quả hơn nữa, phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới.

Thủ tướng nhấn mạnh đề nghị phía Nhật Bản và JBIC giúp đỡ Việt Nam xây dựng nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, quy mô lớn hơn, độc lập tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua các cơ chế hợp tác hiện có và trao đổi, triển khai có hiệu quả Sáng kiến xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở châu Á và Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á của Nhật Bản, tiếp cận khoản hỗ trợ 10 tỉ USD mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản và JBIC thúc đẩy chương trình hợp tác ODA thế hệ mới mà hai Thủ tướng đã trao đổi trong dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản (11.2021) và Thủ tướng Kishida thăm chính thức Việt Nam vừa qua; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án hạ tầng chiến lược…

Chiều 22.7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Maeda Tadashi. Chủ tịch Quốc hội mong JBIC cũng như các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế đối với phát triển bền vững, trong đó có thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thực hiện các nội dung trên cần nguồn lực rất lớn. Do đó, Việt Nam mong muốn JBIC tư vấn kỹ thuật hỗ trợ trong việc tính toán, xác định chiến lược, lộ trình chuyển đổi có tính khả thi cao nhất, để vừa đạt được mục tiêu, vừa tạo ra sự cân bằng về chi phí của từng giai đoạn và dài hạn, không tạo gánh nặng cho nền kinh tế nói chung, cho ngân sách nhà nước, cũng như doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi này; không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội. Cùng với đó là hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn tín dụng cho các dự án năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng có mức chi phí hợp lý, lãi suất phù hợp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.