(TNO) Lúc 8 giờ 25 phút hôm nay (30.3), TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Lê Văn Luyện. Địa điểm xét xử diễn ra tại TAND tỉnh Bắc Giang (TP.Bắc Giang).
TIẾP TỤC CẬP NHẬT. NHẤN PHÍM F5 ĐỂ NHẬN THÔNG TIN MỚI
Điểu khiển phiên tòa sẽ do các thẩm phán của tòa án Tối cao. Công an tỉnh Bắc Giang điều động gần 300 cảnh sát để bảo vệ phiên tòa.
Hơn 7 giờ sáng 30.3, đã có khá đông người tập trung trước TAND tỉnh Bắc Giang chờ theo dõi phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện.
Gia đình bị hại mang theo di ảnh của các nạn nhân và ảnh cháu Bích đến tập trung trước tòa gây sự chú ý cho người dân. Rất đông cảnh sát đến bảo vệ phiên tòa.
Gia đình bị hại mang theo di ảnh của các nạn nhân đến tập trung trước tòa
Khá đông người tập trung trước TAND tỉnh Bắc Giang chờ phiên tòa xét xử
Lê Văn Luyện mở
Người nhà nạn nhân ngồi kín phòng xử án với vòng tang trắng trên đầu, rất đông lực lượng cảnh sát bảo vệ được bố trí ngồi xen kẽ với những người dự tòa để đảm bảo an ninh trật tự.
8 giờ 5 phút, ngay sau khi Lê Văn Luyện cùng các bị cáo đã được dẫn giải đến tòa, khán phòng xử án trở nên náo loạn khi nhiều người nhà nạn nhân xông vào đòi hành hung các bị cáo. Rất nhiều tiếng hô “giết chết cả nhà thằng Luyện” được xướng lên, một số người còn rút cả giày dép ném vào các bị cáo.
Lực lượng cảnh sát bảo vệ đã nhanh chóng áp sát các đối tượng quá khích, đồng thời che chắn cho các bị cáo. Lường trước tình hình phức tạp, các bị cáo được đưa ra tạm lánh phía sau khu vực xét xử.
Phải mất đến 15 phút để HĐXX nhắc nhở người nhà nạn nhân trật tự, tuân thủ pháp luật thì các bị cáo mới được đưa trở lại phiên tòa.
|
8 giờ 25 phút, phiên tòa chính thức khai mạc.
HĐXX do ông Nguyễn Đức Nhận, Thẩm phán TAND Tối cao ngồi ghế chủ tọa. Ngoài ra, hai thẩm phán khác cũng là người của TAND Tối cao.
Trong phần làm thủ tục, các bị cáo cũng như những người có quyền lợi liên quan đều có mặt tại tòa. Trước đó, bị cáo Lê Thành Nghi và Lê Thị Định đến trễ giờ và đã được luật sư bào chữa xin phép chủ tọa.
8 giờ 50, chủ tọa đọc lại bản tóm tắt nội dung vụ án.
9 giờ 10, Tòa bắt đầu chuyển sang phần xét hỏi.
Trả lời chủ tọa về động cơ cướp tiệm vàng, bị cáo Lê Văn Luyện cho biết do cầm xe máy mượn của người khác nên cần tiền để lấy xe ra.
Để thực hiện vụ cướp tiệm vàng, Luyện đã nhiều lần đến tiệm vàng Ngọc Bích để nghiên cứu đường đi lối lại.
Trước một số câu hỏi của chủ tọa, người nhà bị hại đã đề nghị chủ tọa không hỏi lan man mà cần tập trung vào một số nội dung.
Người nhà bị hại cũng đề nghị tách các bị cáo để làm rõ hành vi cụ thể của từng bị cáo.
Phiên tòa lại trở nên lộn xộn khi chủ tọa liên tục nhắc nhở trật tự nhưng không được người nhà phía bị hại đồng ý.
9 giờ 35, trước những yêu cầu gay gắt của gia đình bị hại, chủ tọa đã nhượng bộ và yêu cầu Lê Văn Luyện trình bày lại về quá trình gây án.
Lê Văn Luyện kể lại quá trình gây án
“Vào đêm ngày 23.8, bị cáo lên phố Sàn, đến gần khu vực tiệm vàng Ngọc Bích rồi ngồi đợi đến khuya. Sau đó bị cáo trèo lên cây trước nhà nạn nhân và vào nhà từ trên tầng 3. Sau khi vào nhà, bị cáo đã dùng đèn pin mang theo đi từ tầng 1 đến tầng 3 ngồi đợi”, bị cáo Luyện rành rọt khai trước tòa.
“Sau khi bị cáo lên tầng 3 chờ thì thấy anh Ngọc mang một chậu đồ lên, bị cáo nấp sau cánh cửa nhà vệ sinh. Lợi dụng lúc nạn nhân không để ý, bị cáo đã dùng dao đâm nhiều nhát vào người nạn nhân”, Luyện khai tiếp.
Sau khi sát hại các nạn nhân, đối với số vàng cướp được, Luyện cho biết: “Bị cáo không dám đi bán mà lấy một dây chuyền đưa cho em họ là Lê Thành Hồng mang đi bán. Đồng thời bị cáo cũng dặn Hồng nếu ai có hỏi thì nói anh đi vào miền Nam làm ăn”.
Lê Văn Luyện cũng nói việc giết người, cướp tiệm vàng là do ý chí của bị cáo, không do ai xui khiến và chỉ có một mình Luyện thực hiện.
Đáng chú ý, tại phiên tòa hôm nay, người nhà bị hại cho rằng ngoài số vàng bị cướp còn bị mất một túi màu đen chứa đô la nhưng không nói rõ là bao nhiêu.
10 giờ. Trước lời khai của Lê Văn Luyện, các luật sư bào chữa cho phía bị hại nêu ra nhiều câu hỏi cho thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của Luyện tại tòa. Tuy nhiên, Lê Văn Luyện chỉ trả lời gỏn lọn: “Bị cáo không biết”, “Bị cáo không nhớ”.
Luật sư Phạm Văn Huỳnh hỏi: Nhiều người nhà nạn nhân cho rằng việc đột nhập vào nhà nạn nhân và sát hại 3 người không thể do một mình bị cáo làm được, bị cáo có suy nghĩ gì?”
“Bị cáo không biết, bị cáo chỉ có một mình”, Luyện trả lời.
10 giờ 10, tòa chuyển sang thẩm vấn bị cáo Lê Văn Miên, bố đẻ của Luyện.
Bị cáo Miên cho rằng mình không hề xúi giục con mình phạm tội, sau khi xảy ra vụ việc, bị cáo không tố giác là vì thương con.
Bị cáo Miên cũng khai Luyện chỉ lấy được vàng, không có thêm tài sản nào khác.
10 giờ 20, trả lời câu hỏi của chủ tọa, bị cáo Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện) cho biết, 7 giờ 20 sáng ngày 24.8 thì nhận được điện thoại của Luyện gọi ra đón. Sau khi gặp, Luyện đưa cho Hồng hai sợi dây chuyền vàng cùng biên lai cầm xe nhờ lấy xe ra.
Hồng cũng khẳng định không biết thêm ai ngoài Luyện trong vụ cướp tiệm vàng.
10 giờ 30, trả lời thẩm vấn của tòa, bị cáo Trương Văn Hợp (bố của Hồng) cho biết, lúc đầu không biết Luyên gây án giết người: “Lúc bị cáo thấy Luyện có vết thương ở tay, hỏi thì nó nói là do đánh nhau nên bị cáo không nghi ngờ”.
“Bị cáo chỉ biết Luyện gây ra tội ác là khi Hồng mang hai sợi dây chuyền về và kể lại”.
10 giờ 40, trình bày trước tòa, cả bị cáo Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược (mẹ của Hồng) đều xin tòa cho hưởng án treo bởi gia cảnh khó khăn.
Trước đó, bị cáo Hợp đã bị tòa cấp sơ thẩm phạt 19 tháng tù, bị cáo Lược bị phạt 9 tháng tù về tội không tố giác tội phạm.
10 giờ 40, trình bày trước tòa, Đinh Văn Hương (anh trai của nạn nhân Đinh Thị Chín) cho biết, vụ án này có quá nhiều ẩn khuất, cụ thể:
Lê Văn Luyện, chưa đủ 18 tuổi, mới học hết cấp 2, chưa tiền án tiền sự, tức là chưa có kinh nghiệm gây án. Chính vì vậy, gia đình không tin chỉ có một mình Lê Văn Luyện gây án.
Theo lời khai của cháu Bích thì có hai người, một người to như bố và một người nhỏ hơn. Và trong lời khai của Luyện thì hung thủ có nhìn rõ Bích cầm điện thoại không dây.
Khi cơ quan điều tra kiểm kê, cơ quan điều tra chỉ đếm số lượng chứ không đếm khối lượng vì có chiếc 2 chỉ, chiếc 5 chỉ. Chúng tôi không đồng ý với điểm này.
Đề nghị cơ quan điều tra trả lại thẻ nhớ và camera để gia đình xem lại.
Gia đình bị hại không đồng ý với việc khi cơ quan điều tra dựng lại hiện trường lại không cho gia đình và luật sư bảo vệ quyền lợi chứng kiến.
Hiện nay, bàn tay phải của cháu Bích vẫn chưa cầm nắm được gì. Gia đình vẫn đang phải tích cực chữa chạy, mức bồi thường của tòa sơ thẩm là chưa thỏa đáng.
11 giờ 10, trước câu hỏi của chủ tọa về căn cứ nào để khẳng định số vàng bị cướp đi nhiều hơn so với số tang vật trả lại, ông Đinh Văn Hương cho biết, qua nhiều lần tâm sự, cả anh Ngọc và Chín cho biết số vàng họ có là khoảng 100 lượng vàng ta. Trong đợt tăng giá vàng vào trước tháng 8, chị Chín khoe với ông Hương là lãi gần 2 tỉ đồng.
“Số lượng rất lớn nhưng khi cơ quan điều tra trả lại tang vật thì chỉ có vài chục cây là điều vô lý. Mặt khác, sau khi vụ cướp xảy ra chúng tôi có đến chứng kiến thì toàn bộ số vàng để ngăn giữa của tủ vàng bị lấy đi, đây là nơi chứa vàng ta không có vàng tây nhưng số tang vật cơ quan điều tra trả lại có lẫn cả vàng tây. Đây là những điều không hợp lý mà gia đình chúng tôi đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét lại”, ông Hương nói.
11 giờ 35 phút, Tòa chuyển sang phần tranh luận.
Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, cần phải áp dụng các mức phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo. Theo đó, cơ quan công tố đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo đối với các bị cáo.
Bên cạnh đó, cơ quan công tố cũng cho rằng cần phải xem xét lại một phần kháng cáo của phía bị hại về mức bồi thường vì còn thấp so với thực tế.
11 giờ 45, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm nghỉ. 13 giờ 30 chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục.
Sau khi tòa thông báo nghỉ trưa, một số người thân của gia đình bị hại đã bị tạm giữ do quá khích. Trong đó, có anh Đinh Văn Hương, anh trai nạn nhân Đinh Thị Chín.
Người dân chăm chú theo dõi phiên tòa xét xử phúc thẩm Lê Văn Luyện qua loa
Phiên tòa được bảo vệ nghiêm ngặt
*** Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm, Lê Văn Luyện bị tuyên án 18 năm tù giam và buộc bồi thường cho gia đình nạn nhân, chu cấp cho cháu Trịnh Thị Bích đến năm 18 tuổi, tổng số tiền lên đến hơn 1 tỉ đồng. Cả bên bị hại và bị cáo đã có đơn kháng án ngay sau khi tòa tuyên án.
Diễn biến vụ giết cả nhà chủ tiệm vàng Ngọc Bích Sáng 24.8.2011, người dân Phố Sàn (xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bàng hoàng, kinh hãi khi biết tin tiệm vàng Ngọc Bích bị cướp đi hơn 50 lượng vàng. Gia đình chủ tiệm vàng bị thảm sát đẫm máu.
Chủ tiệm vàng là anh Trịnh Thanh Ngọc (SN 1974) nằm chết tại cầu thang tầng 1 với nhiều vết chém trên người, trong đó có 1 vết chém sâu ở gáy. Tại tầng 2, chị Đinh Thị Chín (SN 1976), vợ anh Ngọc chết với vết đâm ở bụng và cổ. Trong phòng ngủ của nhà nạn nhân, cháu Trịnh Phương Thảo (SN 2010) chết với một vết cứa sâu ở cổ. Riêng cháu Trịnh Thị Bích (8 tuổi) bị chém nhiều nhát, cánh tay phải bị chém đứt lìa, nhưng vẫn còn sống và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Theo gia đình nạn nhân, anh Ngọc và chị Chín đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, 2 năm trở lại đây về nước mở tiệm kinh doanh và cho vay lãi. Chiều 25.8.2011, thông tin từ bệnh viện Việt Đức cho hay, cháu Trịnh Thị Bích đã qua cơn nguy kịch và được chăm sóc ở chế độ đặc biệt. Ngày 26.8.2011, trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường đã chỉ đạo Tổng cục VI và Công an tỉnh Bắc Giang khẩn trương tiến hành điều tra. Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo chuyên án do thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục VI, làm Trưởng ban; thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VI và đại tá Phạm Văn Minh, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, làm Phó trưởng ban; Giám đốc Công an các địa bàn phụ cận làm thành viên. Chiều 27.8.2011, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) - Bộ Công an thông tin cho Thanh Niên biết, đã cử nhiều lực lượng nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Bắc Giang truy tìm hung thủ vụ giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Bích. Sau 5 ngày truy bắt hung thủ, ngày 29.8.2011 cơ quan chức năng cho biết đã xác định được nghi can số 1 là Lê Văn Luyện (SN 18.10.1993), trú tại thôn Sân Đình, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam. Cùng ngày, cơ quan chức năng sau khi khám xét nhà Lê Văn Luyện đã thu giữ được một số tang vật liên quan đến vụ án. Bố mẹ của Lê Văn Luyện là Lê Văn Miên (SN 1969) và Trương Thị Thơm (SN 1970) không thể lý giải được túi nylon đựng vàng chôn ở gần chuồng lợn. Ngay lập tức, hai người này và số vàng được đưa đến cơ quan công an để làm rõ. Ngày 30.8.2011, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh khởi tố về hai hành vi “giết người” và “cướp tài sản” đối với Lê Văn Luyện. Đồng thời ban hành lệnh truy nã đặc biệt, cấm xuất cảnh đối với Lê Văn Luyện. Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Trương Thanh Hồng (19 tuổi, trú ở thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam), anh họ của Lê Văn Luyện về hành vi che giấu tội phạm. Bố mẹ của Lê Văn Luyện cũng tạm giữ để làm rõ hành vi che giấu tội phạm. Manh mối đầu tiên để cơ quan điều tra tìm ra hung thủ ra tay sát hại vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích là từ trạm y tế xã Thanh Lâm. Theo y sĩ Hoàng Thị Hưng, người trực tiếp khâu vết thương cho Luyện, khoảng 9 giờ sáng ngày 24.8.2011 Luyện được Trương Thanh Hồng đưa đến khâu vết thương ở trong hai lòng bàn tay. Trước đó, hàng xóm và chính quyền địa phương xác nhận, gia đình Luyện rất hiền lành, làm nghề bán thịt lợn. Bản thân Luyện sau thời gian dài bỏ học, đã lên Hà Nội làm phụ hồ, khi trở về không có biểu hiện gì khác thường. Thông tin Luyện chính là hung thủ trong vụ giết người, cướp tiệm vàng tại Phố Sàn khiến người dân xã Thanh Lâm rất bàng hoàng. Lúc này, cơ quan điều tra cho biết, số vàng thu giữ được tại nhà Luyện gồm 4 vòng cổ, 13 vòng đeo tay, 199 nhẫn vàng, 59 dây chuyền, 5 mặt đá dây chuyền, tổng ước tính khoảng 50 lượng vàng. Một ngày sau khi phát lệnh truy nã Lê Văn Luyện, 7 ngày sau khi vụ án xảy ra, khoảng 16 giờ ngày 31.8.2011 cơ quan chức năng đã bắt được Lê Văn Luyện gần cột mốc số 1057 thuộc bản Na Hình, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn (cách biên giới Trung Quốc khoảng 200 mét) khi đang trên đường từ Trung Quốc về Việt Nam. Cùng đi có Lê Văn Nghi, chồng cô ruột Luyện. Địa điểm bắt được cách nơi gây án khoảng 160 km.
Tại đồn biên phòng Na Hình, Lê Văn Luyện khai nhận, y là hung thủ duy nhất trong vụ giết người cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích. Trước đó, Luyện đã trốn sang Trung Quốc, nhưng do không thạo đường nên quay lại Việt Nam. Trưa ngày 1.9.2011, cơ quan chức năng đã tìm được 1 con dao bấm và 1 dao phớ to bản bị Luyện vứt xuống ao gần nhà sau khi gây án. Một tình huống pháp lý đặc biệt là khi gây án, Luyện còn khoảng 2 tháng nữa mới đủ 18 tuổi để phải nhận mức án tử hình theo pháp luật Việt Nam. Theo đoàn luật sư Bắc Giang, Luyện có thể phải chịu mức án cao nhất cho mỗi tội danh giết người là 16 - 18 năm. Về tội cướp, do số lượng tài sản lớn Luyện cũng có thể chịu hình phạt từ 16 - 18 năm. Như thế, tổng hình phạt cho hai tội danh này sẽ là tù có thời hạn trên 18 năm. Mặc dù Luyện từ chối mời luật sư bào chữa cho mình nhưng theo quy định nghi can này chưa đủ tuổi thành niên nên sẽ được cơ quan chức năng chỉ định luật sư bào chữa. Sáng 7.9.2011, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định khởi tố 5 bị can có liên quan tới vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích tại số 45 phố Sàn, xã Phương Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) xảy ra vào rạng sáng ngày 24.8. Theo đó, 5 đối tượng bị khởi tố gồm: Lê Văn Miên (sinh năm 1969, là bố đẻ Lê Văn Luyện, ngụ tại thôn Sơn Đình, xã Thanh Liêm, huyện Lục Nam), Trương Thanh Hồng (1992, là anh họ của Lê Văn Luyện), Lê Thị Định (cô ruột của Lê Văn Luyện, ngụ tại Na Hình, Văn Lãng, Lạng Sơn) cùng với hành vi che giấu tội phạm; Dương Thị Lược (mẹ của Trương Thanh Hồng) và Trương Văn Hợp (1964, là bố đẻ của Trương Thanh Hồng) cùng bị khởi tố về tội danh không tố giác tội phạm. Trong cùng ngày, bà Trương Thị Thơm, mẹ của Lê Văn Luyện được trả tự do. Ngày 27.9.2011, Bệnh viện Việt Đức cho cháu Trịnh Thị Bích xuất viện. Sau hơn 1 tháng nằm điều trị, cháu Bích đã bình phục rất nhiều, bàn tay bị chém đứt đã cử động được nhưng chưa cầm nắm chắc. Sau hơn 4 tháng xảy ra vụ giết người cướp của ở tiệm vàng Ngọc Bích, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm trong hai ngày 10 và 11.1.2012.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, thủ phạm vụ giết người cướp của gây chấn động dư luận cả nước Lê Văn Luyện bị tuyên phạt 18 năm tù đối với tội giết người, 18 năm tù về tội cướp tài sản và 9 tháng tù về tội dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do bị cáo phạm tội khi chưa đủ tuổi thành niên nên tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Luyện là 18 năm tù. HĐXX cũng tuyên phạt Lê Văn Miên (cha của Luyện) 48 tháng tù; Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện) 30 tháng tù; Lê Thị Định (cô ruột của Luyện) 15 tháng tù; Lê Thanh Nghi (chồng bị cáo Định) 15 tháng tù về tội che giấu tội phạm. Bị cáo Trương Văn Hợp (cha của Hồng) 12 tháng tù, Dương Thị Lược (mẹ của Hồng) 9 tháng tù về tội không tố giác tội phạm. Ngoài ra, tòa cũng tuyên buộc bị cáo Luyện bồi thường 185 triệu đồng đối với các khoản chi phí phát sinh cho phía gia đình bị hại do hành động của Luyên gây ra. Tòa tuyên bị cáo Luyện có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Bích 1,5 triệu đồng/tháng bắt đầu từ ngày 24.8.2011 cho đến khi cháu đủ 18 tuổi. Tổng số tiền tính ra trên 1 tỉ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm kết thúc, cả bị hại và bị cáo đều có đơn kháng án.
|
Thái Sơn - Lê Quân
Bình luận (0)