Đề nghị không quy định cứng ngày tựu trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/03/2021 08:23 GMT+7

'Từ năm học 2020 - 2021, học sinh trường công lập tựu trường vào ngày 1.9 và các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng (5.9). Với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 13 năm 2011 cho phù hợp hơn'

Ngày 4.3, đại diện lãnh đạo nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã tổ chức tọa đàm và kiến nghị Bộ GD-ĐT khi sửa quy chế hoạt động cần tạo điều kiện để trường tư phát triển tốt hơn thay vì “ép” theo những quy định giống trường công.
Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28.3.2011 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục được chính các trường tư đánh giá: có giá trị thực tiễn rất cao, giúp các trường phổ thông tư thục tồn tại và phát triển. Tuy vậy, để phù hợp với luật Giáo dục 2019, cần phải sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động của các trường phổ thông tư thục.

Trường tư phải “lách” để tồn tại ?

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, việc sửa quy chế tổ chức hoạt động của các trường tư cần theo hướng tạo điều kiện tốt hơn nữa để trường tư phát triển đúng với vai trò, “sứ mệnh” của mình chứ không phải theo hướng bắt trường tư phải hoạt động y như trường công lập.
Bộ GD-ĐT chưa có dự thảo sửa đổi hoặc thay thế Thông tư 13. Tuy nhiên, những tuyên bố trước đó từ phía Bộ GD-ĐT về chủ trương thay đổi khiến các trường tư lo lắng. Cụ thể, trước thềm năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT tuyên bố: “Từ năm học 2020 - 2021, học sinh trường công lập sẽ tựu trường vào ngày 1.9 và các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng (5.9). Với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 13 năm 2011 cho phù hợp hơn”. Hiện thông tư này cho phép trường tư thục được bổ sung thời gian học tập tối đa 4 tuần so với trường công lập.
Việc Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ xem xét sửa đổi quy định trên cũng chính là điều khiến các trường tư thục phản ứng dữ dội nhất. Trên thực tế, hầu hết các trường tư lâu nay có khung thời gian năm học là 10 tháng thay vì 9 tháng như các trường công lập. Thời gian tựu trường của trường tư thường là 1.8 hằng năm.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, đề nghị giữ tinh thần của Thông tư 13 và chỉnh sửa theo hướng: “Trường phổ thông tư thục được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập, học phí cho thời gian học bổ sung do nhà trường thỏa thuận với cha mẹ học sinh”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhấn mạnh: “Nếu không có những quy định để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường tư thì hệ thống này không thể tồn tại”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm, chỉ ra: “Nếu trường tư chỉ dạy chương trình của Bộ thì chẳng ai bỏ tiền triệu, thậm chí chục triệu mỗi tháng vào học và chúng tôi cũng không thể tồn tại. Chúng tôi phải có những chương trình riêng và cần thời gian để triển khai ngoài chương trình bắt buộc của Bộ, như các hoạt động ngoại khóa, rèn kỹ năng, các chương trình hợp tác quốc tế…”.
Bà Hiền còn nêu, do đòi hỏi chính đáng của thực tế như vậy, nếu Bộ có sửa quy định theo hướng cấm thì các trường tư sẽ buộc phải “lách” bằng các hình thức như: câu lạc bộ, trại hè,… để có thêm thời gian ngoài 9 tháng như trường công lập, thì mới tồn tại được. Ông Nguyễn Xuân Khang thì nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn “lách” mà chúng tôi cần được đàng hoàng thực hiện đúng quy định, đúng đòi hỏi của thực tế”.

Nên bỏ quy định tuổi hiệu trưởng “không quá 70”

Thông tư 13 quy định về tuổi của hiệu trưởng “khi đề cử không quá 70 tuổi”. Ông Nguyễn Xuân Khang đề nghị nên bỏ quy định này vì hội đồng trường tư hoàn toàn nắm được về phẩm chất, năng lực, sức khỏe và sự minh mẫn của người được đề cử làm hiệu trưởng. Ông Khang cho rằng sự giới hạn này là “cảm tính”, thiếu cơ sở thực tiễn. Hiệu trưởng trường tư không phải là công chức trong biên chế nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Hiền cũng nêu thực tế năm nay bà đã 76 tuổi. Từ năm 70 tuổi, bà phải thôi chức hiệu trưởng và giữ vai trò Chủ tịch hội đồng trường. Tuy nhiên, thực tế 6 năm qua việc tìm hiệu trưởng thay thế rất khó khăn, nếu hiệu trưởng và hội đồng quản trị không thống nhất được với nhau trong điều hành, quan điểm giáo dục thì “rất mệt”. “Do vậy, hầu như tôi vẫn phải “nắm” hết công việc của hiệu trưởng”, bà Hiền chia sẻ.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cũng cho rằng Bộ nên bỏ quy định về độ tuổi hiệu trưởng trường tư vì đặc thù của tư thục là gắn liền với quyền lợi, trách nhiệm của chính họ nên để họ tự quyết định việc này.
Sau buổi tọa đàm này, đại diện các trường tư thục sẽ gửi kiến nghị bằng văn bản tới Sở GD-ĐT Hà Nội và Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi Thông tư 13.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.