Đề nghị Nhật hỗ trợ cộng đồng 400.000 người Việt

Mai Hà
Mai Hà
14/11/2022 06:24 GMT+7

Chiều qua 13.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn cấp cao VN đã về tới sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ 8 - 13.11 tại Phnom Penh (Campuchia).

Ngay sau Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 17 (EAS-17), lãnh đạo các nước đã tham dự lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan cùng lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia. Tổng thống Indonesia thông báo chủ đề của năm ASEAN 2023 là “ASEAN Matters: The Epicentrum of Growth” (ASEAN tầm vóc - tâm điểm của tăng trưởng).

Thủ tướng lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Campuchia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 và các hội nghị cấp cao khác

Nhật Bắc

Sáng cùng ngày, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ VN phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, sớm triển khai cung cấp ODA thế hệ mới; hợp tác ứng phó chống biến đổi khí hậu. Tạo điều kiện để VN tiếp cận với khoản hỗ trợ 10 tỉ USD mà Thủ tướng Kishida đã cam kết tại Hội nghị COP26, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ.

Thủ tướng cũng mong muốn Chính phủ Nhật Bản có các chính sách hỗ trợ cộng đồng hơn 400.000 người VN, trong đó có nhiều tu nghiệp sinh VN đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa cho công dân VN.

Thủ tướng Kishida khẳng định VN có vị trí quan trọng hàng đầu trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực. Ông cũng khẳng định Nhật Bản mong muốn làm sôi động lại hợp tác ODA với VN, sẽ thúc đẩy để sớm triển khai khoản vay ODA thế hệ mới. Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc mở cửa thị trường cho quả nhãn VN trong tháng 11.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi và thúc đẩy tiến độ một số dự án quan trọng như dự án Trường Đại học Việt - Nhật, Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2, Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng cũng đã tham dự EAS-17 cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Tổng thư ký ASEAN. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định EAS mang đến cơ hội để cùng tìm ra các giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề đang nổi lên hiện nay, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung. Thủ tướng khẳng định ASEAN sẵn sàng làm trung gian tin cậy cùng các đối tác EAS tham vấn, đối thoại, cùng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, bền vững và lâu dài cho các thách thức an ninh hiện nay, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nâng cao hiểu biết, tin cậy, đối thoại và hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự phiên Đối thoại toàn cầu ASEAN lần 2 tại Phnom Penh, với chủ đề “Phục hồi toàn diện sau Covid-19”, với sự tham gia của các đối tác lớn gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)... Nhiều ý kiến chia sẻ đánh giá môi trường kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng thách thức, đan xen các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao, bất ổn tiền tệ - nợ công, đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng - lương thực, các vấn đề về dịch bệnh, môi trường, khí hậu… Trong bối cảnh đó, ASEAN đã và đang khẳng định năng lực tự cường bền bỉ với nền tảng vĩ mô ổn định, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.