Đề nghị phong tặng liệt sĩ cán bộ y tế tử vong khi chống dịch: Vì họ xứng đáng !

16/08/2021 06:16 GMT+7

Liên quan đề xuất phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi chống dịch, bạn đọc Thanh Niên bày tỏ sự đồng tình và mong sớm được nhà nước thông qua.

Như Thanh Niên thông tin, Công đoàn Y tế Việt Nam vừa đề nghị Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất với Chính phủ sớm ban hành chế độ chính sách phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Lý giải về đề xuất này, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chia sẻ: “Hiện có hơn 10.000 cán bộ y tế đã lên đường chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Nhân viên y tế đã rất nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị các ca bệnh dương tính, không quản ngày đêm. Theo thống kê sơ bộ, cả nước đã có gần 3.000 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19. Nguy cơ cán bộ y tế bị tử vong do nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị hoặc tiêm chủng là không tránh khỏi. Vì vậy, chính sách đối với cán bộ y tế phải làm càng sớm càng tốt, đừng chờ sự việc xảy ra rồi mới đề xuất chính sách cho họ”.

Việc đúng, cần làm ngay

Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đồng tình và ủng hộ đề xuất này. “Đề xuất rất hay, nhân văn và ý nghĩa. Lực lượng y tế đã quá vất vả rồi, họ xứng đáng được như vậy dù không ai mong muốn nhận danh hiệu liệt sĩ đó đâu. Cầu mong cho tuyến đầu chống dịch được bình an vô sự”, BĐ Bình An bày tỏ. Tương tự, BĐ Đặng Phan cho rằng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những nhân viên y tế làm nhiệm vụ ở tuyến đầu và trực tiếp cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 thực sự là những chiến sĩ quả cảm, nếu không may bị tử vong do phơi nhiễm, môi trường làm việc gây nên thì xứng đáng được xem xét công nhận liệt sĩ. Còn BĐ Thanh Đạm viết: “Chống dịch như chống giặc. Vậy hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch thì nghiễm nhiên được phong tặng danh hiệu liệt sĩ rồi. Cần làm ngay”.
Trong khi đó, BĐ Mạnh Đức đề xuất không chỉ cán bộ, nhân viên y tế được hưởng chính sách này mà cần xét luôn cho những người ở ngành khác đang cùng tham gia chống “thiên tai, dịch họa”.

Nên có thêm nhiều chính sách khác

Để động viên, ngoài đề xuất phong tặng liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cho phép Công đoàn Y tế được chi hỗ trợ 2 triệu đồng/cán bộ/đợt công tác. Bên cạnh đó, cho phép Công đoàn Y tế Việt Nam tiếp tục mua thẻ bảo hiểm an toàn cho 10.000 cán bộ đi chi viện tăng cường chống dịch tại 19 tỉnh, thành phía nam. Nguồn kinh phí sẽ được trích từ nguồn tài chính công đoàn tích lũy của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Công đoàn Y tế Việt Nam, BĐ Minh Nguyễn còn đề nghị nhà nước nên có thêm nhiều chế độ phụ cấp, chính sách khác cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, kể cả những người tình nguyện. “Tôi ủng hộ đề xuất này, vì các lực lượng tuyến đầu đã đóng góp quá nhiều trong công tác chống dịch. Các bạn đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình để hòa vào công cuộc chống dịch Covid-19, cứu biết bao nhiêu người. Mong rằng Chính phủ sẽ có thêm nhiều chính sách cho họ bởi vì họ xứng đáng”, BĐ Minh Nguyễn viết. Tương tự, BĐ Thiên Long ý kiến: “Theo dõi tình hình dịch bệnh thời gian qua, tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu của các y bác sĩ, tình nguyện viên. Vì vậy, tôi hy vọng nhà nước sẽ có thêm nhiều chế độ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, kể cả các tình nguyện viên. Các bạn đã hy sinh quá nhiều!”.
“Những cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng khác không phải lực lượng vũ trang, họ đã xông pha, hy sinh lợi ích, thậm chí cả tính mạng vì xã hội, quốc gia thì xứng đáng được Tổ quốc ghi nhận công lao. Việc chống dịch quá gian khổ, hiểm nguy, sự hy sinh của lực lượng chống dịch rất lớn lao nên cần phải biết ơn, tôn vinh và ghi công xứng đáng. Mong các cấp lãnh đạo giải quyết kịp thời để động viên sự hy sinh cao cả đó”, BĐ Paul Lữ viết.
Các bác sĩ, nhân viên y tế biết bệnh dịch rất nguy hiểm mà vẫn dũng cảm đi vào vùng dịch cứu chữa người bệnh thì cần được vinh danh kịp thời.
Đức Thuận
Phong tặng liệt sĩ cho mọi người tham gia chống dịch khi hy sinh, kể cả người tình nguyện.
Xuan Cuong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.