Đề nghị Quốc hội cấm thuốc lá điện tử

12/11/2024 07:15 GMT+7

Chiều 11.11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, các đại biểu dành nhiều thời gian đề cập tới tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đề nghị người đứng đầu ngành y tế cho biết quan điểm và giải pháp quản lý đối với các loại sản phẩm này.

Thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe, phải cấm

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần. Nguyên nhân chính khiến các loại sản phẩm này được bán tràn lan trên thị trường thời gian qua là do chưa có quy định pháp luật về việc có cho phép hay không cho phép kinh doanh. Bà Lan vì thế đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử, đó là một nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đề nghị Quốc hội cấm thuốc lá điện tử- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

ẢNH: GIA HÂN

Đáng chú ý, đại biểu (ĐB) Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) đề cập tình trạng tẩm ướp ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong khi Bộ Y tế, Bộ Công an muốn cấm thì Bộ Công thương lại muốn nghiên cứu thí điểm thêm để quản lý tốt hơn. "Trách nhiệm của Bộ Y tế tham mưu ra sao mà đến nay Chính phủ chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này ?" ông Hoàng Anh đặt câu hỏi.

Phản hồi ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, giai đoạn 2019 - 2020, trước tình trạng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng len lỏi vào thị trường Việt Nam, trong khi thiếu công vụ pháp lý quản lý, Bộ Công thương đề xuất và được Chính phủ cho phép xây dựng chính sách thí điểm đối với các sản phẩm trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế hỏi đại biểu: 'Có ai hình dung đây là thuốc lá điện tử không?'

Quá trình lấy ý kiến, có bộ ngành đồng ý, cũng có bộ ngành phản đối, điển hình là Bộ Y tế. Sau nhiều bàn thảo, Bộ Công thương đã thống nhất với Bộ Y tế rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe nên phải cấm. Kể từ đó, Bộ Công thương "kiên trì đề xuất sớm ban hành khung khổ pháp lý để cấm, chứ chưa bao giờ đề xuất là tiếp tục thí điểm".

Việc thực hiện chính sách mới còn khó khăn

Chất vấn Bộ trưởng Y tế, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết theo phản ánh nhiều bệnh viện vẫn còn khó khăn trong đấu thầu thuốc. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết, vướng mắc này do đâu và bao giờ được giải quyết?", ĐB Nguyễn Thị Thủy chất vấn.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết luật Đấu thầu 2023 đã đưa nhiều chính sách tháo gỡ cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc. Tới nay, chỉ còn một nội dung liên quan tới nhà thuốc bệnh viện, đang gặp vướng mắc do luật yêu cầu phải đấu thầu. Bộ trưởng Y tế khẳng định vướng mắc tại các nhà thuốc bệnh viện sẽ được khắc phục tại luật Dược sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua.

Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu: "Như Bộ trưởng nói thì những điểm nghẽn cơ chế pháp lý cơ bản đã giải quyết được. Thế nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn còn. Vậy có phải có trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong đấu thầu thuốc hay không?".

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận vẫn còn vướng mắc trong việc thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Nguyên nhân, bà Lan cho hay do luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ 1.1.2024, nên việc thực hiện chính sách mới còn khó khăn, nhân lực đọc văn bản "còn bỡ ngỡ". Bộ Y tế đang xây dựng sổ tay cẩm nang đấu thầu thuốc để địa phương, cơ sở có đủ năng lực thực hiện.

Cùng với đó, Bộ trưởng Y tế thừa nhận, thực tế có cán bộ tại địa phương, cơ sở y tế chưa dám nghĩ, dám làm, e ngại vấn đề sai phạm dẫn đến triển khai còn vướng mắc. Chính phủ đã ban hành chỉ thị quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế.

Trả lời chất vấn của ĐB về giám sát toàn diện nhằm đảm bảo chất lượng và ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay việc quản lý các sản phẩm dược hiện đã có luật Dược, với mỹ phẩm thì có Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế, với thực phẩm chức năng thì đã có luật An toàn thực phẩm.

Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Y tế thừa nhận vẫn có những trường hợp lách luật để buôn bán các loại sản phẩm giả hoặc thổi phồng công dụng, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Bộ Y tế sẽ triển khai nghiêm các quy định pháp luật, trong đó rà soát xem có gì chưa đáp ứng thực tiễn để kịp thời điều chỉnh. Hiện nay, 2 dự án luật Dược sửa đổi và luật An toàn thực phẩm sửa đổi đều đang trong giai đoạn xây dựng; dự kiến đầu năm 2025 sẽ được trình Chính phủ để xin ý kiến hoàn thiện và trình sang Quốc hội.

Riêng về mỹ phẩm, Bộ Y tế đang "nâng cấp" từ thông tư lên nghị định, đồng thời chuyển Bộ Tư pháp để thẩm định. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ TT-TT trong việc quản lý các website bán hàng; phối hợp cùng Bộ VH-TT-DL để có giải pháp chấn chỉnh trong việc tuyên truyền, quảng cáo hoặc bán những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu.

Bộ Y tế đánh giá hệ thống pháp luật quản lý về thực phẩm chức năng đã tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý. Đối với xử phạt hành chính, mức phạt có thể lên tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; với xử lý hình sự, mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù. Tuy vậy, xuất phát từ ham muốn lợi nhuận cùng với sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nhiều đối tượng vẫn bất chấp vi phạm về sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn sự phối hợp từ các cơ quan pháp luật liên quan, nhằm xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp có sai phạm, để làm gương cho những trường hợp khác.

Tuyến Phan


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.