Chiều 21.6, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại hội nghị, Bộ VH-TT-DL đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương khoa học công nghệ); nhất là đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghệ thuật truyền thống.
Nhìn lại các nguồn đầu tư cho văn hóa, Bộ VH-TT-DL cho rằng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các năm 2014 - 2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, kinh phí của chương trình ngày càng hạn hẹp nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa của các địa phương. Đồng thời, theo phương thức giao vốn đầu tư phát triển hiện nay thì Bộ VH-TT-DL không được hiệp y để thống nhất việc đầu tư theo mục tiêu, đối tượng của chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cùng với tăng cường đầu tư cho văn hóa, Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan khi sửa đổi, bổ sung bộ luật Lao động, nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định về tuổi nghỉ hưu đối với diễn viên. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của diễn viên sớm hơn tuổi nghỉ hưu của viên chức chuyên ngành khác, nhưng vẫn đảm bảo về chế độ, chính sách để tránh thiệt thòi cho diễn viên. Do đặc thù nghề nghiệp của diễn viên, thời gian cống hiến chỉ kéo dài đến độ tuổi 35 - 40. Sau độ tuổi trên, việc bố trí, sắp xếp công việc theo vị trí việc làm rất khó khăn.
Bình luận (0)