Đề nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa để mua ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo'

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
07/11/2022 15:19 GMT+7

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương xã hội hóa để hồi hương cổ vật ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Ngày 7.11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đồng ý chủ trương xã hội hóa để tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các bộ, ngành T.Ư vận động nguồn lực cho Quỹ bảo tồn di sản Huế hồi hương cổ vật ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Đề nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa để mua ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo'

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với Nhà đấu giá Millon (Pháp) kịp thời mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được nhà đấu giá Millon thông báo đấu giá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức yêu quý di sản thương lượng để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.

Công văn cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao cho Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tổ chức, cá nhân thương lượng với Nhà đấu giá Millon để mua lại ấn "Hoàng đế chi bảo".

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, 2 bảo vật triều Nguyễn (gồm ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và chiếc bát vàng) được đưa ra đấu giá vào ngày 31.10 tại Pháp, sau đó Nhà đấu giá Millon thông báo hoãn việc bán món cổ vật tới trưa ngày 10.11 để phía Việt Nam thương lượng.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30.8.1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội.
Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8.3.1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách “Quốc trưởng” của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.