Đề nghị xem xét cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM ngay tại kỳ họp bất thường

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/11/2022 11:23 GMT+7

Chính phủ đề nghị bổ sung thêm nội dung về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù mới cho TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội để tháo gỡ các vướng mắc cho thành phố.

"TP.HCM đang vướng mắc rất nhiều"

Sáng 28.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 17 cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp bất thường thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo tại phiên họp

gia hân

Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, tại văn bản gửi ngày 22.11, Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 27.11, TP.HCM đề nghị trình để Quốc hội xem xét, cho thí điểm chính sách mới thay thế cho Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường sắp tới.

“Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã giao TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại cuộc làm việc hôm qua thì thấy rằng TP.HCM đang vướng mắc rất nhiều, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Do đó, TP.HCM đề nghị xem xét các chính sách mới tại kỳ họp bất thường để tháo gỡ vướng mắc cho thành phố”, ông Sơn nói.

Một nội dung khác cũng còn ý kiến khác nhau là việc xử lý các dự án BOT giao thông vướng mắc cũng như việc bổ sung 3 dự án luật, gồm: luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân vào chương trình kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội.

Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết vấn đề xử lý các dự án BOT đã được Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 11.10 nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét và bổ sung vào kỳ họp bất thường.

Liên quan 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ông Sơn cũng cho biết, sau khi nhận được văn bản của Tổng thư ký Quốc hội yêu cầu làm rõ sự cần thiết, cấp bách để đưa các dự án luật vào chương trình kỳ họp bất thường, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Công an hoàn thiện tờ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Đôi khi dục tốc bất đạt"

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc bổ sung nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội “ủng hộ thôi” song quan trọng là có chuẩn bị kịp không.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

“Vì còn phải trình, thẩm tra. Đôi khi dục tốc bất đạt”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với 3 dự án luật gồm: luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân mà Chính phủ đề nghị đưa vào kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ngoại trừ trường hợp cần thiết, cấp bách phải xem xét thông qua để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nếu không thì nên xem xét tại các kỳ họp thường kỳ.

“Theo quy trình thì để Quốc hội xem xét, các cơ quan của Quốc hội phải thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức ở phiên toàn thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu không họp toàn thể để thẩm tra thì không đúng quy định, chưa kể phải có những thứ phải nghiên cứu khảo sát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chốt lại 4 nội dung xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia; thông qua luật Khám chữa bệnh sửa đổi; tổng kết Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch và các vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách.

Đối với vấn đề xử lý các dự án BOT giao thông vướng mắc và cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thì đều thuộc nội dung về cấp bách về tài chính, ngân sách.

Về thời gian, Chủ tịch Quốc hội thống nhất tổ chức kỳ họp vào đầu tháng 1 và hình thức có thể tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc họp tập trung cả kỳ họp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.