Chiều 27.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với TP.HCM về tình hình giải ngân đầu tư công và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đóng góp của TP.HCM truyền cảm hứng cho sự phát triển chung
Trao đổi tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực của TP.HCM trong 11 tháng đầu năm, đồng thời nhấn mạnh những đóng góp của TP.HCM đã truyền cảm hứng cho sự phát triển chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương kết quả đạt được của TP.HCM trong 11 tháng đầu năm đã truyền cảm hứng cho sự phát triển chung |
Nhật Bắc/VGP |
Thủ tướng chia sẻ tình hình thành phố cũng còn khó khăn liên quan một số việc ở lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán. Trong đó, một số vụ việc đã tích lũy nhiều năm và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát một số dự án trọng điểm tại TP.HCM sáng 27.11 |
nguyên vũ |
Thủ tướng nhấn mạnh phải theo đúng quy luật cung cầu, cạnh tranh của thị trường, ai sai thì xử lý, ai làm tốt thì phải bảo vệ, ủng hộ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ TP.HCM còn nhiều việc để làm nhưng cần chọn việc quan trọng để làm trước, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, đồng thời khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng tháo gỡ.
Tính đến hết ngày 25.11, TP.HCM giải ngân được 12.665 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 34%. Các chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết năm khoảng 28.750 tỉ đồng, gần 77%.
“Đầu tư công TP.HCM chiếm tỷ lệ rất lớn so với cả nước. Chúng ta giải quyết được, cùng thành phố đưa nguồn lực này vào để hỗ trợ các chính sách khác thì sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung”, Thủ tướng đánh giá.
Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất và bất động sản, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị sớm có giải pháp nới lỏng các điều kiện, có biện pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất; đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho các dự án cụ thể và thị trường bất động sản, trái phiếu |
tno |
Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc khi doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, ít khả năng tìm việc mới trong thời điểm gần đến Tết Nguyên đán.
Về lĩnh vực ngân hàng, TP.HCM kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.
TP.HCM kiến nghị về một số dự án
Đối với các dự án cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc khó khăn tại dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho thành phố là 19.449 tỉ đồng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bị ảnh hưởng cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình, nhà xưởng và vật kiến trúc bị ảnh hưởng và hoàn thành hồ sơ bồi thường, hỗ trợ…
Đối với dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT cùng các bộ ngành quan tâm sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12.2022.
Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện cửa ngõ: Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi với tổng nhu cầu là 4.500 tỉ đồng.
Bình luận (0)