Đề nghị y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan

Đề nghị y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan

15/11/2024 11:52 GMT+7

Viện kiểm sát ghi nhận, đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Sau 2 tuần xét xử phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã công bố bản luận tội, đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác.

Đề nghị y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan

Theo Viện kiểm sát, hành vi của bị cáo Lan là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, một lúc phạm nhiều tội, chiếm đoạt số tiền rất lớn, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ. Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Lan mức án tử hình về tội "tham ô tài sản" là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Đại diện Viện kiểm sát cũng ghi nhận thêm một số tình tiết giảm nhẹ là thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, thể hiện sự quyết tâm khắc phục hậu quả… Từ đó, đại diện Viện kiểm sát ghi nhận, đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Tại sao tạm ngừng phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan?

Về tội "đưa hối lộ", Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Lan không đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội danh này.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án tử hình về tội "tham ô tài sản", 16 - 18 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", 20 năm tù về tội "đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bị cáo Lan) bị đề nghị mức án 7 – 8 năm tù. Bị cáo Trương Huệ Vân (là cháu gái của bị cáo Lan) bị đề nghị mức án 14 - 15 năm tù.

Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị mức án từ 3 năm án treo đến tù chung thân.

Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND cấp cao tại TPHCM xác định, là người sở hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền ngân hàng.

Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, bị cáo Lan yêu cầu cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma", sau đó rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng nhằm cắt đứt dòng tiền. Trong đó, từ năm 2012 đến 2017, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỉ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bị cáo Lan phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Vụ án Trương Mỹ Lan: Bị cáo Đỗ Thị Nhàn xin gỡ kê biên 10 tỉ và sổ đỏ

Từ tháng 2.2018 đến tháng 10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỉ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỉ; gây thiệt hại gần 130.000 tỉ đồng tiền lãi phát sinh. Do bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1.1.2018 nên hành vi của bị cáo Lan đã phạm vào tội "tham ô tài sản".

Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10.2022, nhóm của bị cáo Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỉ đồng gốc và lãi. Theo Viện kiểm sát, bị cáo Lan có nghĩa vụ bồi thường cho SCB 677.000 tỉ dồng.

Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, để SCB thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) đã 4 lần đưa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (là Cục trưởng Thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu. Với hành vi vừa nêu, bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm tội "đưa hối lộ".

Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết không kêu oan về 3 tội danh bị cáo buộc là "tham ô tài sản", "đưa hối lộ" và "vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ xin tòa xem xét bối cảnh phạm tội để giảm nhẹ hình phạt tử hình.

Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin tòa xem xét tính toán lại số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt, định giá lại các tài sản bị kê biên. Theo giá trị của các tài sản này theo định giá của Công ty Hoàng Quân (công ty được chọn định giá tài sản trong vụ án) là quá thấp.

Cạnh đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin lại một số tài sản của người thân và gia đình có nguồn gốc từ trước thời điểm tham gia tái cơ cấu ngân hàng như: căn biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, tòa nhà 19-25 Nguyễn Huệ, 24 Lê Lợi (đều tại TP.HCM). Đây là những tài sản do mẹ bà mua cho các cháu và một số tài sản là trụ sở của Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần nói đang lên phương án chi tiết khắc phục hậu quả vụ án để gửi cho tòa và cam kết chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền Ngân hàng nhà nước cho SCB mượn.

Đáng chú ý, trong phiên toà phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan lần đầu nhắc đến khoản tiền 5.000 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho SCB nộp năm 2021 nhưng chưa được ngân hàng nhà nước ghi nhận nên đề nghị tòa thu hồi. Bị cáo Lan đề nghị tòa thu hồi số tiền hơn 2.000 tỉ đồng bà và SCB cho một đối tác vay khi thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng dự án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Trong vụ án này, riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (55 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Tập đoàn Capella và Công ty Văn Lang) không phải là đồng phạm với bị cáo Lan. Bị cáo Trí bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trí 8 năm tù.

Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 dự kiến kéo dài đến ngày 25.11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.