Nhiều trường THPT đang có xu hướng tiếp nhận những phản ánh, bức xúc, chia sẻ của học trò nhằm giúp người dạy và người học hiểu nhau hơn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên diễn ra tại trường này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không thích học cô không phải vì ghét cô !
Mới đây, gần 2.000 học sinh (HS) của Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) đã có dịp “cởi tấm lòng” khi trả lời những câu hỏi trong phiếu khảo sát như: “Em thích học môn nào nhất và không thích môn nào, vì sao?”, “Hãy nêu vài dòng tâm sự về thầy cô, bạn bè, trường lớp…”. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng kết quả nhận được là những lời nhận xét mộc mạc và chân thành của HS đối với từng giáo viên.
Có HS đã viết: “Em không thích học cô A, không phải vì ghét cô hay môn học này mà do cô kể chuyện thì hay nhưng cách dạy làm em rất khó tiếp thu kiến thức”. Đặc biệt, có HS còn phát hiện giáo viên tiếng Anh phát âm không chuẩn. Cũng có nhiều ý kiến góp ý về cách truyền đạt, giảng bài của giáo viên nhanh khiến HS không hiểu bài sâu. Có HS mong muốn giảm bớt kiến thức về lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, làm bài tập…
Khi HS được bày tỏ suy nghĩ, nhà trường còn biết được HS không thích học một thầy dạy toán vì có lần thầy hút thuốc lá ở hành lang lớp học. Hoặc một thầy giáo có tác phong quá nghiêm túc, cứng nhắc trong giờ dạy, không tạo cảm giác gần gũi với HS.
Vào đầu năm học, Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) tổ chức tập huấn cho ban cán sự, bí thư chi đoàn các lớp kỹ năng tiếp nhận thông tin từ thành viên của lớp mình. Sau khi tổng hợp ý kiến của lớp, ban giám hiệu sẽ có buổi đối thoại riêng với mạng lưới này để có cái nhìn bao quát. Song song với đó, ban giám hiệu còn công khai số điện thoại, địa chỉ hòm thư cá nhân… để khi không gặp trực tiếp, HS đều có thể nhắn tin, gửi thư điện tử… thể hiện ý kiến của mình.
Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, nói HS ở lứa tuổi này khá nhạy cảm, nếu không kịp thời giải tỏa, tạo cho các em trạng thái tâm lý an toàn thì rất khó có tâm thế tốt để học tập. Bà Trang kể: “Có HS nữ lớp 10 đã khóc nức nở nói “điểm đầu vào thì cao, là trường có tiếng vậy mà vào học thấy thất vọng”. Giúp trò bình tĩnh tâm sự, tôi mới biết do hành lang tối nên em cảm thấy sợ sệt… Ngay lập tức tôi yêu cầu bộ phận bảo vệ chấm dứt tình trạng sơ suất quên bật đèn ở những khu vực hạn chế ánh sáng tự nhiên”.
Khi có điều kiện bày tỏ suy nghĩ của mình, một HS Trường THPT Nguyễn Khuyến phấn khởi nói: “Thầy hiệu trưởng phát phiếu khảo sát mà không cần chúng em phải ghi thông tin cá nhân. Đây là yếu tố làm chúng em mạnh dạn gửi thông tin cho thầy. Tuy nhiên, chúng em mong muốn những phản ánh của chúng em sẽ giúp thầy thay đổi trường ngày một tốt hơn”.
Phải có phản hồi
Muốn HS mạnh dạn nói thật, ông Nguyễn Xuân Thảo cho biết: “Nội dung đưa ra phải khéo léo dưới dạng câu hỏi mở, tạo sự tin tưởng và dẫn dắt các em kể chuyện một cách bình tĩnh”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường, bí quyết để HS nhiệt tình nói lên những suy nghĩ của mình về trường lớp, thầy cô là sau khi nhận được thông tin, ban giám hiệu phải có trách nhiệm phản hồi. Có như vậy HS mới cảm thấy bản thân được tôn trọng, tuyệt đối không nên hô hào cho có phong trào.
Để làm được điều này, bà Diễm Trang cho rằng phải có quá trình theo dõi việc tiếp nhận ý kiến của HS. Nếu thời điểm này nhà trường chưa giải quyết được phản ánh của HS hoặc vì lý do khách quan chỉ giải quyết ở mức độ nhất định thì phải giải thích “sòng phẳng” chứ không được lấp liếm, bỏ qua.
Nhiều giáo viên cho rằng ý kiến HS là một kênh thông tin quan trọng nhưng để khách quan phải tìm hiểu kỹ từ nhiều phía, xem xét sự việc xảy ra là hiện tượng nhất thời hay là bản chất...
Bình luận (0)