Cô gái sinh năm 1995 quê Bắc Giang là đương kim vô địch SEA Games ở 3 nội dung 1.500m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m. Vì thế không quá bất ngờ khi cô dễ dàng lập cú đúp HCV 1.500 m, 5.000 m ở giải vô địch quốc gia và hướng đến 2 tấm HCV nữa ở cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật và 10.000 m. Đáng khen là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phải tập luyện “chay”, không thi đấu hơn 1 năm qua nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn phá được kỷ lục quốc gia cự ly 5.000 m tồn tại 18 năm qua của đàn chị Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa).
Nguyễn Thị Oanh với thành tích phá kỷ lục quốc gia cự ly 5.000 m tồn tại đã 18 năm |
Minh Hoàng |
Tuy nhiên, cựu HLV tuyển điền kinh Việt Nam Nguyễn Trọng Hổ cũng trăn trở về định hướng đầu tư cho Nguyễn Thị Oanh hiện nay. Bởi lẽ Oanh nắm giữ 3 HCV SEA Games nhưng đang tập luyện dàn trải chứ không tập trung vào 1 - 2 cự ly sở trường. “Ở cự ly 1.500 m, thành tích HCV SEA Games 2019 của Oanh là 4 phút 17 giây 31. Ở giải vô địch quốc gia 2021, Oanh đạt thành tích 4 phút 19 giây 66. Thành tích này kém xa thành tích mà đàn chị Trương Thanh Hằng đạt được là 4 phút 09 giây 58, á quân ASIAD 2010. Ở cự ly 5.000 m mà Oanh vừa đoạt HCV, phá kỷ lục quốc gia với thông số 15 phút 53 giây 48 tuy vượt thành tích SEA Games 2019 nhưng cũng kém thành tích của đương kim vô địch ASIAD Kalkidan (Bahrain, 15 phút 08 giây 08).
Ở 3.000 m vượt chướng ngại vật là nội dung mà Oanh tiệm cận thành tích châu lục khi từng đoạt HCĐ ASIAD 2018 với thông số 9 phút 43 giây 83 thì người giành HCV là Yavi (Bahrain) đạt thông số 9 phút 36 giây 52. Thêm một điều nữa, tôi chưa thấy trong giải điền kinh thế giới có VĐV nào vừa đoạt HCV 1.500 m vừa đoạt HCV 5.000 m hay 10.000 m, bởi đó là 2 nhóm khác nhau. Nội dung 1.500 m cần thêm tốc độ bên cạnh sức mạnh, sức bền, còn cự ly dài 5.000 m, 10.000 m cần sức bền, dẻo dai. Tôi phân tích kỹ để muốn nói rằng Oanh là tài năng có thể phát triển lên tầm châu lục, vì thế cần tập trung chuyên biệt vào nhóm cự ly có thể cạnh tranh thành tích cao ở châu lục. Theo tôi, Oanh nên theo đuổi cự ly 3.000 m chướng ngại vật và 5.000 m làm trọng điểm chứ đừng dàn trải”, ông Hổ nói.
Những phân tích của HLV kỳ cựu Nguyễn Trọng Hổ quả đáng để ban huấn luyện tuyển điền kinh Việt Nam lẫn cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh suy ngẫm. Nhà quản lý cũng cần đầu tư thêm cho Oanh về chế độ, dinh dưỡng, hồi phục… để cô “tấn công” vào đấu trường châu lục.
Nguyễn Thành Ngưng phá kỷ lục đi bộ
Ở ngày thi đấu thứ 3 giải điền kinh vô địch quốc gia diễn ra hôm qua có thêm 1 kỷ lục quốc gia. Người lập kỷ lục là tuyển thủ Nguyễn Thành Ngưng (Đà Nẵng) ở nội dung đi bộ 20.000 m. Thành tích Thành Ngưng đạt được là 1 giờ 33 phút 22 giây 06. Kỷ lục cũ 1 giờ 36 phút 09 giây do chính anh nắm giữ.
Bình luận (0)