Đề phòng lũ quét, ngập lụt do bão số 3

03/08/2019 06:50 GMT+7

Theo dõi bệnh thán thư do nấm trên cây sầu riêng

Miền Bắc có mưa to đến rất to do bão số 3. Vùng núi có thể lũ quét, lũ ống và sạt lở. Vùng đồng bằng trung du mưa gây lũ trên các sông, có nơi ngập sâu do mưa bão. Các tỉnh bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cũng chịu ảnh hưởng mưa bão trong hai ngày tới, có nơi mưa to nên vùng núi cũng có nguy cơ xảy ra lũ quét, gió giật và lốc xoáy.
Từ chủ nhật (4.8) hoặc thứ hai mưa gió sẽ giảm dần sau khi bão tan, nhưng thời tiết có khả năng chuyển xấu trở lại vào giữa tuần do ảnh hưởng bởi dải hội tụ và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới khác, có nơi mưa vừa, mưa to và có khả năng xảy ra lốc, gió giật.
Các tỉnh khác ở miền Trung chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi rìa tây nam bão số 3 nên cũng có mưa diện khá rộng vào cuối tuần, nhiệt độ giảm đáng kể. Gần cuối tuần sau có thể nắng nóng quay trở lại nhưng không quá gay gắt như tháng 7.
Bão số 3 chưa tan hẳn thì trên vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa có thể xuất hiện áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (hoặc bão), diễn biến sẽ phức tạp. Hướng di chuyển và cường độ của cơn này có thể thay đổi do chịu ảnh hưởng bởi một cơn bão mạnh ở tây Thái Bình Dương, phía đông Philippines.
Do vậy, gió mùa tây nam còn mạnh hết đợt này đến đợt khác gần như liên tục trong 10 ngày tới. Miền Nam mưa, gió mùa tiếp tục trên hầu hết khu vực. Thời tiết sáng nắng, chiều tối có mưa giông gió giật, đề phòng có nơi mưa to và lốc xoáy có thể xảy ra như tại Lâm Đồng, miền Đông (bao gồm TP.HCM) và vùng ven biển miền Tây Nam bộ.
Tính đến thời điểm đầu tháng 8.2019, mực nước tại Tân Châu trên sông Tiền và Châu Đốc trên sông Hậu thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2018. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên, cao nhất tuần tại Tân Châu ở mức 1,5 m, tại Châu Đốc 1,6 m, sau đó biến đổi chậm theo triều. Đối với các vùng xuống giống vụ 3 cần chú ý tiêu thoát nước tránh ngập úng do mưa trùng với lúc triều cường.
Miền Nam do mưa nhiều, ẩm cao, nắng và bốc hơi thiếu hụt cùng nhiệt độ ban đêm giảm làm cho sương mù xuất hiện thường xuyên, dẫn đến thuận lợi cho dịch bệnh gây hại trên lúa, các vườn cây ăn trái và hoa màu có nguy cơ bùng phát mạnh, như bệnh khảm lá sắn và sâu keo. Các vùng trồng sầu riêng ở Tây nguyên, miền Đông chú ý theo dõi chặt chẽ bệnh thán thư do nấm, có thể phát triển nhanh làm cho lá và đọt non sẽ bị khô cháy và rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Cần vệ sinh vườn trừ sạch cỏ dại, tạo điều kiện thông thoáng tán cây để ánh nắng chiếu vào dễ dàng nhằm hạn chế độ ẩm cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.