Để 'quận 1 như Singapore', cần chặn ngay hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách

Quận 1 vừa được lãnh đạo UBND TP.HCM gợi ý xử phạt xả rác, hút thuốc, đỗ xe không đúng quy định như Singapore đã làm để quản lý đô thị.

Tuy nhiên, một vấn nạn khác quận 1 phải cần xử lý ngay để "như Singapore" là nạn hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch TP.HCM năng động. Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, gửi đến Thanh Niên ý kiến sau bài viết về nạn hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách.

Khu trung tâm TP.HCM dự kiến quy hoạch mở rộng phố đi bộ ở 22 tuyến đường, trước mắt sẽ là phố đi bộ Lê Lợi bên cạnh Nguyễn Huệ và Bùi Viện đã có lâu nay.

Có phố đi bộ, ngành kinh tế dịch vụ du lịch, thương mại sẽ có cơ hội phát triển, nhưng cũng kéo theo nhiều phức tạp trong quản lý trật tự như hàng rong, vốn xuất hiện từ lâu gây bức xúc cho du khách, đến nay vẫn chưa dẹp được ở các điểm tham quan, phố đi bộ hiện hữu.

Người bán hàng rong đeo bám du khách tại chợ Bến Thành

nhật thịnh

Được biết từ năm 2017, chính quyền quận 1 đã thí điểm tập trung thành lập 2 phố hàng rong tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và bên trong công viên Bách Tùng Diệp bán hàng thành 2 ca. Trong đó, ca sáng từ 6 giờ - 10 giờ 30 và ca chiều từ 10 giờ 30 - 15 giờ. Các phố này bán hàng ăn uống là chính, không bán các vật phẩm hàng hóa đồ lưu niệm, sách báo... như các gánh hàng rong khác và họ có lượng khách hàng ổn định là nhân viên văn phòng xung quanh, không phải là du khách quốc tế hay trong nước.

Do vậy, sau gần 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, cùng với sự khởi sắc của hoạt động du lịch thì hàng rong, ăn xin xuất hiện trở lại ngày càng đông đúc tại các điểm du lịch nằm ngay giữa lòng TP. Vấn nạn này gây nên hình ảnh không đẹp mắt vì ngoài bị đeo bám mời chào mua hàng, nguy cơ bị móc túi, trộm cắp, khiến du khách bất an.

Việc không dẹp được hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe (phạt từ 100.000 - 200.000 đồng); lực lượng kiểm tra xử phạt mỏng, chỉ tập trung xử lý khi có chiến dịch truy quét, còn sau thì đâu trở lại vào đó nên giống như bắt cóc bỏ dĩa; đời sống kinh tế khó khăn người nhập cư từ tỉnh vào TP khó tìm kế sinh nhai nên chọn bán hàng rong, vé số tạo nên áp lực về an sinh xã hội. Trước 2020, có cả một nhóm thanh niên đồng hương rủ nhau đến TP thuê trọ để gánh dừa bán trước cửa Dinh Độc Lập. Trong số các nguyên nhân có cả sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý có liên quan như phường này đuổi thì họ chạy qua đường thuộc địa bàn phường khác để "lánh"...

Nhưng nói thế không có nghĩa là không có phương án xử lý. Nên chăng, tại các phố đi bộ đang hoạt động hiện nay, chính quyền cần quy hoạch vị trí và thời gian hoạt động cho nơi bán hàng lưu niệm, sách báo, ấn phẩm du lịch. Hỗ trợ thiết kế xe lưu động bán hàng đẹp mắt, gọn gàng, không cản trở cảnh quan, đảm bảo thông thoáng, an ninh, trật tự và cho đấu thầu công khai, ưu tiên để các cá nhân sinh sống bằng hàng rong lâu nay được kinh doanh.

Đối với nhóm các mặt hàng ăn uống, quà ăn vặt khuyến khích các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng có mặt tiền vỉa hè rộng rãi thoáng đãng kết hợp mở thêm, vì loại mặt hàng này liên quan đến vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Người bán dừa trước du khách tại khu vực Dinh Độc Lập

nhật thịnh

Tại các điểm tham quan du lịch như Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Nhà hát TP..., tùy theo vị trí được quy hoạch, cảnh quan, nếu kết hợp mở thêm các quầy hàng lưu niệm ăn uống thuận lợi phục vụ du khách thì tạo cơ chế chính sách khuyến khích. Được biết, theo quy định khuôn viên bảo tàng thì không cho phép kinh doanh ăn uống nhà hàng, nhưng theo quy định chi tiết một số điều của luật Du lịch thì để được UBND TP công nhận là điểm du lịch của TP, ngoài tài nguyên du lịch còn cần đáp ứng cả dịch vụ ăn uống , mua sắm (điều 11 , khoản 2, điểm d, Nghị định 168/2017).

Ngoài ra, tăng cường các biện pháp chế tài xử phạt, mức xử phạt, bổ sung lực lượng hay tăng cường nhiệm vụ cho các lực lượng tuần tra đường phố và phối hợp giữa các cơ quan để xử lý hàng rong.

Trước đây có một số đề nghị áp dụng như ở đền Angkor, Campuchia. Nơi này dùng biện pháp căng dây xung quanh khuôn viên bên ngoài đền để giới hạn phạm vi của hàng rong không được tiếp cận du khách tự do. Tuy nhiên, biện pháp này khó phù hợp ở đô thị tiên tiến hiện đại như TP.

Chính quyền quận 1 cũng cần tuyên truyền người dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh ở các nơi tập trung khách du lịch như đặt các biển cấm hàng rong, cung cấp thông tin cho du khách các địa điểm mua sắm ăn uống được quản lý, kiểm soát. Dù giải quyết cách nào, việc xử lý hàng rong chèo kéo du khách cần sự phối hợp đồng bộ của chính quyền, cơ quan quản lý du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, những người làm công tác phục vụ du khách và cả cộng đồng dân cư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.