Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải thông tin về giá sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 cao hơn tới 3 lần so với giá sách giáo khoa theo chương trình cũ, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã trao đổi để giải thích về vấn đề này.
Theo giải thích của NXBGDVN, giá sách mới cao hơn do chi phí tăng ở các khâu cấu thành giá bán một bộ sách giáo khoa mới gồm: số lượng cuốn trong một bộ sách; chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in và chi phí marketing.
Vậy cần phải làm thế nào để giảm gánh nặng tài chính đầu năm học mới cho phụ huynh về việc mua sách giáo khoa?
Cho mượn sách giáo khoa
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6.2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Trong phiên họp chiều 21.6.2022, nguyên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội... về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa. Khi đó, ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn.
Việc Nhà nước có chủ trương dùng ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là việc làm thiết thực giúp đỡ phụ huynh, học sinh đầy tính nhân văn và nhân ái.
Thực tế, trong 3 năm vừa qua, kể từ năm học 2019-2022 đại dịch Covid-19 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt đời sống của người dân. Tuy dịch bệnh đã đi qua, cuộc sống dần ổn định, nhưng đời sống của đa số người dân còn có nhiều khó khăn sau dịch bệnh. Vì vậy, không có lý do gì để người dân phải thêm gánh nặng khó khăn trên vai.
Trước đây, trong thời kỳ còn bao cấp, kinh tế khó khăn nhưng Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, tất cả học sinh chúng tôi đi học đều được chia sẻ những quyển sách mượn được từ thư viện mà không phải mua sách. Tuy mỗi giai đoạn có khác nhau nhưng sự quan tâm đến học sinh, sự học, giáo dục là luôn không thay đổi dù trong hoàn cảnh nào.
Để sách mượn được sử dụng dài lâu, thiết nghĩ trước hết là nhà trường cần giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn sách vở cẩn thận, không được viết vẽ bậy vào sách. Cuối năm, nhà trường nên xem xét tuyên dương, khen thưởng những học sinh biết bảo quản sử dụng sách có hiệu quả và xem đó là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh cần được phát động duy trì thường xuyên.
Xã hội hóa tủ sách giáo khoa
Ngoài ngân sách của Nhà nước mua sách, nhà trường nên vận động các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… ủng hộ kinh phí để có thêm sách cho nhiều học sinh được mượn; phát động phong trào ủng hộ sách cho thư viện…
Chúng ta cũng có thể thực hiện xã hội hóa tủ sách dùng chung trong phụ huynh, học sinh. Đối với những phụ huynh có điều kiện tham gia đóng góp sách để chia sẻ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn được hưởng lợi từ tủ sách xã hội hóa.
Tiếp đến, nhà trường cần tính đến kế hoạch mua sách giáo khoa đã sử dụng trong những năm học trước từ phụ huynh, học sinh.
Vào dịp lễ tổng kết và phát thưởng cuối năm, nhà trường có thể phát thưởng những bộ sách giáo khoa, giúp các em có sách để học.
Chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình có tính ổn định lâu dài tránh thay đổi trong thời gian ngắn.
Sách giáo khoa cần có tuổi thọ nhất định, không phải thay đổi nhiều về nội dung, nếu có chỉ là bổ sung, cập nhật sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của xã hội, tránh được việc phải mua sách mới khác để học cũng như khi chuyển đến học từ trường này đến trường khác, địa phương này sang địa phương khác.
Đề xuất một cách tiết kiệm sách giáo khoa
Trường có kế hoạch tuyển sinh bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm chuẩn bị đủ cho 1 học sinh/1 bộ sách và học sinh phải trả 30-40% giá tiền bộ sách. Hết năm học phải trả lại sách cho trường để học sinh năm sau sử dụng tiếp. Em nào làm hư, dơ, rách sách thì phải đền bằng giá bìa. Trường có thể thu tiền học sinh trước, cuối năm trả sách thì hoàn trả tiền thừa hoặc thu bù thêm cho bộ sách năm sau nếu các em còn học tiếp ở trường.
Sau khoảng 4 năm (tuổi thọ sách) thì trường đã thu lại đủ tiền có kèm lãi suất ngân hàng để tái tục vòng quay. Làm như thế có nhiều cái lợi. Học sinh không phải tất bật lo chuyện sách, giảm chi phí và tạo thói quen cho gìn giữ sách sạch đẹp để tiết kiệm cho chính mình.
Bạn đọc Sắc Chanh
Bình luận (0)