Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 4, lớp 8 và lớp 11 ở hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Công ty cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng đã có giá bộ Cánh diều. Đây là 3 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt sau khi thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023 - 2024.
Theo đó, sách giáo khoa lớp 4 có 14 - 15 cuốn, trong đó môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh có 2 tập, giá dao động 250.000 - 280.000 đồng/bộ. Bộ Cánh diều dù chưa có sách tiếng Anh nhưng giá đã ở mức 230.000 đồng/bộ.
Sách lớp 8 đủ 14 cuốn của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá 270.000 - 300.000 đồng. Những bộ sách còn lại thiếu môn tiếng Anh nhưng giá cũng dao động 250.000 - 270.000 đồng. Bộ sách giáo khoa lớp 11 được bán với giá khoảng 350.000 - 390.000 đồng.
Đây là giá bán lẻ mà các đơn vị phát hành kê khai với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Khoảng giá mỗi bộ sách như sau:
So với sách giáo khoa theo chương trình cũ, giá sách mới của lớp 4 cao hơn khoảng 3 lần. Cụ thể, sách lớp 4 theo chương trình cũ là 87.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, số đầu sách mới nhiều hơn do có thêm sách giáo khoa của các môn như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.
Tương tự, sách giáo khoa lớp 8 và lớp 11 mới cũng có giá cao hơn 2 - 3 lần so với bộ sách cũ. Số tiền này được tính tương đối trên giá đơn lẻ của 16 cuốn, trong đó có 9 cuốn thuộc các môn bắt buộc ở chương trình mới, 4 cuốn sách môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề. Riêng bộ Cánh diều sẽ có mức cao hơn khi có đủ sách tiếng Anh.
Năm 2022, giá sách giáo khoa mới là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lý giải về việc vì sao giá sách giáo khoa mới cao hơn hẳn giá hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn sách giáo khoa hiện hành và bộ sách mới.
Thứ nhất, về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới là vốn do doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng. Còn đối với sách hiện hành (cũ), là bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới.
Thứ hai, nhuận bút đối với sách giáo khoa mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để có tác giả giỏi.
Thứ ba, sách giáo khoa mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ sách giáo khoa hiện hành (17x24 cm) để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung... Do đó, chi phí in tăng 23% so với sách giáo khoa hiện hành.
Ngoài ra, còn có chi phí marketing, khi có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản sách giáo khoa trong môi trường cạnh tranh, kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông … Trong khi giá của sách giáo khoa hiện hành (cũ) không phải phân bổ các chi phí này.
Tuy nhiên, sau phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá giao Bộ GD-ĐT quyết định giá tối đa, các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể.
Bình luận (0)