Doanh nghiệp nói “cần cân nhắc khi định giá”
Tại hội thảo, ông Ngô Trần Ái (Công ty CP đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam) đưa ra một loạt nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa (SGK) mới cao hơn SGK cũ và đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu kỹ để luận giải một cách đầy đủ về vấn đề này, từ đó đề ra những quy định hợp lý về định giá SGK.
Lý giải về đề nghị này, ông Ái cho rằng định giá SGK là một thay đổi lớn về chính sách, rất cần cân nhắc vì SGK không phải loại hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng hóa dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước như quy định tại điều 19 luật Giá. Khi ban hành chính sách xã hội hóa việc biên soạn SGK, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội không quy định cụ thể về giá SGK xã hội hóa. “Tới nay, nhà nước lại thay đổi chính sách thì điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp”, ông Ái nói.
Theo Bộ GD-ĐT, dù khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1 |
TUỆ NGUYỄN |
Ông Ái cũng cho rằng giá SGK không phải do các doanh nghiệp tự định đoạt mà đều phải kê khai các yếu tố cấu thành để Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính phê duyệt. Thực tế, giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của các gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác. Thực tiễn chọn SGK ở các tỉnh, thành cho thấy giá SGK chỉ là một trong những yếu tố tham khảo, tiêu chí quan trọng là chọn bộ SGK có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông…
Do vậy, ông Ái kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để tham mưu với Quốc hội quyết định vấn đề quản lý giá và SGK cho sát với thực tế. Chính phủ chi ngân sách nhà nước cho thư viện trường học mua SGK để học sinh mượn. Như vậy, học sinh không phải mua sách. Hằng năm, các nhà xuất bản (NXB) cũng không cần in lại sách, trừ một số lượng nhỏ đáp ứng yêu cầu của những gia đình có nhu cầu mua sách riêng cho con; có chính sách khuyến khích các NXB, các doanh nghiệp làm và phát hành SGK tặng SGK cho học sinh nghèo, vùng khó khăn.
Ông Lê Hồng Hải, Phó tổng Giám đốc NXB Giáo dục VN, phân trần đơn vị này đã thực hiện triệt để các chỉ đạo về giá sách. Theo đó, sau năm đầu tiên, SGK lớp 2, lớp 6 đã được tiết chế để giảm và đã có giá thấp hơn SGK lớp 1. Đặc biệt đối với SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm nay, NXB rất quyết liệt tiết giảm mọi chi phí để hạ giá SGK từ 5 - 10% so với SGK các lớp trước. Với việc xóa bỏ độc quyền và cạnh tranh xuất bản SGK, giá SGK mới các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 của NXB rẻ nhất so với thị trường. Ông Hải cho rằng SGK là một hàng hóa đặc thù, thường có tác động tới tâm lý và dư luận xã hội, nên cần có quyết sách để ổn định, trong đó có những quyết sách về việc biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Hải cũng phủ nhận việc NXB lãi "khủng" từ việc phát hành SGK và cho rằng đơn vị này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực SGK mà còn rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành định mức kỹ thuật của SGK để đảm bảo không đội chi phí dẫn tới tăng giá SGK |
đào ngọc thạch |
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói gì ?
Nói về giá SGK mới, mà một trong những yếu tố liên quan khiến giá SGK tăng so với sách cũ là việc in màu, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích: “Sách in 4 màu không phải “phú quý sinh lễ nghĩa”, không phải “tùy hứng”, mà yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới phải từng này màu, từng này chữ chứ không phải tiết giảm tối đa”.
Dù cho rằng “giá SGK của chúng ta rất rẻ so với sách truyện, so với SGK trong khu vực” nhưng ông Thưởng nói Bộ GD-ĐT cũng đồng tình và đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa SGK vào mặt hàng được định giá.
“Vừa rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất, tuy nhiên khi sửa luật Giá thì còn phải công bố dự thảo lên mạng và tham khảo ý kiến. Tôi có trao đổi với các NXB cần có ý kiến phù hợp về việc có định giá SGK”, ông Thưởng nói.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thì cho rằng việc giảm giá thành SGK cần lưu ý đến các khâu như: yếu tố cấu thành giá sách, bên cạnh đó thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành định mức kỹ thuật của SGK để đảm bảo không đội chi phí dẫn tới tăng giá SGK.
SGK vẫn phải là “khuôn vàng thước ngọc”
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng kết quả thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK đến nay đã không phải là kết quả bước đầu nữa bởi đã có tổng số 248 đầu SGK của 6 khối lớp đã được biên soạn, thẩm định phát hành và đưa vào sử dụng.
“Chủ trương xã hội hóa đã có những kết quả tốt”, ông Thành nói và dẫn chứng có tới 6/7 NXB được phép xuất bản SGK đã tham gia vào công việc này và trong thời gian tới con số này sẽ không dừng ở đó.
“Chưa bao giờ chúng ta lại huy động số lượng lớn các tác giả biên soạn SGK như hiện nay, với tổng số 1.574 tác giả cho 6 khối lớp”, ông Thành thông tin. Theo ông Thành, trong đội ngũ biên soạn SGK có 2/3 trình độ tiến sĩ trở lên, tuy nhiên cũng có rất nhiều giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy, tham gia viết SGK.
Ông Thành cũng thừa nhận sách ban hành rồi đâu đó vẫn có “sạn”, một phần do việc hình ảnh, ngữ liệu đưa vào SGK đang quá chú trọng đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình trong khi những khía cạnh khác của xã hội thì chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo.
Ông Thành nhấn mạnh đến khâu thực nghiệm SGK trước khi trình thẩm định. Theo quy định, 1 bài phải dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần ở 2 đơn vị khác nhau. “Tuy nhiên, thực nghiệm nhiều hơn nữa là mong muốn của xã hội. Dù với các đơn vị phát hành SGK thì thực nghiệm nhiều sẽ tốn kém nhiều, nhưng đây là điều cần làm, cần thực nghiệm đa dạng hơn về vùng miền, số bài”, ông Thành nói.
Bộ GD-ĐT đề xuất mua SGK cho 70% học sinh mượn
Liên quan đến chủ trương mua SGK cho học sinh mượn, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ GD-ĐT đã xây dựng 3 phương án, một là nhà nước mua 100%; hai là nhà nước mua 70% số SGK theo nhu cầu; ba là mua SGK cho học sinh nghèo mượn như hiện nay. Qua phân tích, đánh giá thì chúng tôi chọn phương án 2 là nhà nước mua SGK cho 70% số học sinh bởi vì có những em gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua SGK sử dụng riêng”.
Theo tính toán, số tiền mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỉ đồng, hằng năm bổ sung khoảng 20%. Theo ông Thưởng, nếu Chính phủ cho phép thì sẽ thực hiện từ năm sau.
Ông Thành cũng lưu ý khâu lựa chọn SGK, cá biệt vẫn có địa phương chỉ chọn 1 bộ, gây khó khăn cho các nhà trường khi muốn chọn bộ SGK ngoài danh mục mà UBND cấp tỉnh đã phê duyệt.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng đây là bài toán vừa mới, vừa khó, chúng ta chưa có tiền lệ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, đồng thời nhấn mạnh dù SGK không còn là pháp lệnh như trước nhưng vẫn phải là “khuôn vàng thước ngọc”. Do đó, SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến học sinh phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý.
“Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1”, ông Độ nhấn mạnh. Theo ông, khi đặt mục tiêu chất lượng là số 1, không để chậm và thiếu SGK thì cần chú ý đến tất cả các khâu: làm bản mẫu, thẩm định, lựa chọn và phát hành.
Bình luận (0)