Để sân khấu 'vừa có tiếng vừa có miếng'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
04/03/2023 07:05 GMT+7

Mỗi đơn vị sân khấu đều phải chịu áp lực doanh thu để tồn tại. Tuy nhiên, đôi khi sân khấu cũng phải có những vở mang tính nghệ thuật cao, gây được dư luận, uy tín, thỏa máu làm nghề.

CÓ "MIẾNG" LÀ ĐIỀU PHẢI NGHĨ TỚI

Thật ra ông bà bầu nào cũng tâm huyết với nghệ thuật nên mới bỏ vốn ra sản xuất tác phẩm sân khấu. Nhưng dù tâm huyết đến đâu thì ông bà bầu lẫn nghệ sĩ đều muốn đạt doanh thu khá để nuôi sống mình. Vì vậy, họ phải chọn kịch bản ăn khách để bán vé nhiều, gọi là có "miếng". Ăn khách có khi là kịch bản rất nghiêm túc, nhưng có lẽ đa số đều phải vui vui, dễ xem, nếu có ý nghĩa sâu sắc một tí thì cũng ẩn sau lớp vỏ hài hước là chính. Có những vở khi ra đời khán giả phải xếp hàng mua vé hoặc tuổi thọ của vở cả trăm suất, hoặc tái dựng nhiều lần, hoặc diễn suốt 5 - 7 năm.

Có thể đơn cử 12 bà mụ, Hợp đồng mãnh thú, Cậu đồng, Cưới vợ cho ai, Thuốc đắng giã tật, Ngũ quý kỳ phùng, Lẩu trăn, A lô lộ hàng (IDECAF), Dạ cổ hoài lang, Ảo và thật, Kính thưa ô sin, Diều ơi, Bồ công anh (5B), Ngôi nhà không có đàn bà, Bàn tay của trời, Nửa đời ngơ ngác, Bạch Hải Đường (Hoàng Thái Thanh), Người vợ ma, Số đỏ, Mẹ và người tình (kịch Phú Nhuận), Hợp đồng yêu đương, Chuyện tình Bangkok, Bao giờ mẹ lấy chồng, Mẹ chồng rắc rối (Thế Giới Trẻ).

Để sân khấu 'vừa có tiếng vừa có miếng' - Ảnh 1.

Vở Ngược gió của Thế Giới Trẻ

Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cho biết: "Làm sân khấu rất có nguy cơ bị lỗ. Cho nên để giữ được nồi cơm của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, công nhân, chúng tôi bắt buộc phải chọn kịch bản nghiêng về chức năng giải trí… Nhưng muốn có "miếng" cũng không đơn giản. "Miếng" nào mà không đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Khán giả bỏ tiền ra mua vé, họ đâu có dễ dãi cho mình móc túi họ".

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch 5B, ưu tư: "5B vốn xuất phát từ đơn vị thể nghiệm, nên tiêu chí nghệ thuật rất cao. Nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi cũng phải nghĩ tới một số vở mang tính giải trí để tồn tại mà nuôi ước mơ lâu dài".

CÓ "TIẾNG" VẪN LÀ MỘT ƯỚC MƠ

Rõ ràng, giới làm nghề lẫn khán giả đều có độ thông cảm nhất định cho sân khấu. Nhưng ai cũng nuôi một ước mơ thầm lặng là được diễn, được xem những vở có tính nghệ thuật cao. Chính vì vậy, mỗi sân khấu thỉnh thoảng lại tung ra một vở đáng nể. Chẳng hạn, IDECAF cứ 2 - 3 năm thì công diễn tại Nhà hát Bến Thành một vở hoành tráng như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, Tiên Nga. Kịch Phú Nhuận từng có Nỏ thần trình diễn tại Nhà hát TP.HCM. Nếu không hoành tráng được như vậy, thì các sân khấu khác cũng dựng những vở gọi là "kén khán giả". Hoàng Thái Thanh có Đêm thiên nga, Đèn không hắt bóng. 5B có Chuyện tình nữ phạm nhân. Thế Giới Trẻ có Ngược gió.

Để sân khấu 'vừa có tiếng vừa có miếng' - Ảnh 2.

Vở Đèn không hắt bóng của Hoàng Thái Thanh

H.K

Đạo diễn Tiết Duy Hòa, vừa viết vừa dựng Ngược gió, tâm sự: "Báo chí, dư luận đều khen vở này nhưng thật ra nó hơi buồn, trong khi khán giả nơi đây hầu hết là trẻ, thích vui nhộn, nên vé bán ít hơn các vở khác. Tuy nhiên, vở vẫn được xếp lịch thường xuyên bởi giá trị của nó". Thật sự Ngược gió mang đậm màu sắc Nam bộ và rất chỉn chu, tỉ mỉ, tinh tế. Ngay cả diễn viên Nam Thư vốn quen diễn hài, nhưng nhờ vở này cô có một vai quá hay, quá sâu sắc. Nhân vật Nương có rất nhiều cung bậc cảm xúc, tâm lý tinh tế, đòi hỏi Nam Thư phải nỗ lực vượt qua chính mình, và cô đã thành công bất ngờ. Nam Thư nói: "Lâu lâu mình phải có những vở như vậy để rèn nghề, đổi mới bản thân".

Lê Khánh cũng vượt qua hình ảnh hài hước quen thuộc mà thành công trong vai Kim Liên đầy bi kịch, hào hùng (vở Tiên Nga). Nỏ thần cũng khiến Huỳnh Đông tỏa sáng trong vai Cao Lỗ và Mai Phương trong vai Mỵ Châu. Còn Đèn không hắt bóng đã đặt dấu son cho Vân Anh lẫn Tuyết Mai trong vai Noriko. Nhìn chung, những vở có "tiếng" đều giúp nghệ sĩ bật sáng qua những vai khó, đầy thử thách.

Để đánh đổi cái "tiếng" ấy thì ông bà bầu nào cũng phải chấp nhận thua lỗ. Ông Huỳnh Anh Tuấn thú thật: "Vở Tiên Nga chúng tôi đầu tư 2,4 tỉ đồng mà chưa lấy lại được. Doanh thu bán vé mỗi suất chỉ đủ trang trải tiền thuê rạp, cát sê, âm thanh, ánh sáng… nhưng chúng tôi rất vui, thỏa máu nghề". Đạo diễn Ái Như nói: "Lỗ thì nói gì, chỉ tiếc là ít khán giả tới xem thì buồn lắm. Cho nên sau này, tôi chọn vở có tính nghệ thuật nhưng đồng thời cũng không quá kén khán giả, như vậy những thông điệp của vở sẽ được bay xa hơn".

Tương tự, NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: "Công lý như mặt trời là một ví dụ cho kiểu làm nghệ thuật đó. Chúng tôi dựng chính kịch, nêu những tiêu cực xã hội, nhưng vẫn vui, màu sắc. Tất nhiên khán giả cũng không thể đông như hài kịch, nhưng ở mức chấp nhận được, để có thể đi dài lâu". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.