‘Để tàu Cát Linh - Hà Đông đông khách, người dân cần đi bộ nhiều hơn’

Mai Hà
Mai Hà
19/11/2021 08:34 GMT+7

Sau 11 ngày hoạt động, tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông ghi nhận 272.000 lượt khách, hệ số sử dụng ghế trung bình mới đạt 16,3%. Phương tiện kết nối chưa tiện, thiếu điểm gửi xe, "ngại" đi bộ khiến nhiều người dân vẫn chưa mặn mà.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hanoi), lượng khách các ngày trong tuần (working day) trung bình khoảng 17.000 - 19.000 người/ngày. Con số này tăng cao hơn vào ngày cuối tuần, đạt xấp xỉ trên 20.000 người/ngày. So với ngày cao điểm nhất (7.11) đạt 54.000 lượt khách, hiện lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tương đối ổn định, song vẫn ở mức khá thấp so với công suất khai thác tối đa.

Hai ngày đầu khai thác, tàu Cát Linh - Hà Đông thu hút tới 70.000 khách đi tàu, song hiện tại lượng khách bình quân mỗi ngày chỉ khoảng 15.000 - 17.000

đậu tiến đạt

Hành khách đi tàu hiện tại ngoài người đi làm, có nhiều người đi trải nghiệm. Sau 15 ngày được miễn phí vé, từ 22.11, người dân sẽ phải mua vé khi đi tàu. Nhiều lo ngại cho rằng khi chính thức bán vé, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ “ế” hơn nữa.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hanoi, đơn vị khai thác, quản lý tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự kiến vào cuối tuần này (20 - 21.11), công ty đã lên kế hoạch có khoảng 100 nhân viên hướng dẫn người dân cách thức mua và sử dụng vé.

Về dự báo khi bán vé, lượng hành khách sẽ giảm sút, ông Trường cho rằng, lượng hành khách đi vào các ngày trong tuần đa số là khách đi làm hoặc đi công việc, nên đã tương đối ổn định. Dù vậy vẫn sẽ có sự sụt giảm so với giai đoạn đầu trải nghiệm miễn phí.

Trước băn khoăn của nhiều người dân về việc thiếu điểm gửi xe máy cá nhân tại các nhà ga dọc tuyến, ông Trường cho biết, tại 2 ga đầu (Cát Linh) và ga cuối (Yên Nghĩa), các quận Đống Đa và Thanh Xuân đã sắp xếp, bố trí điểm đỗ xe. Theo đó, tại ga Cát Linh sẽ bố trí điểm đỗ lùi vào phía trong ngõ Hào Nam, với khoảng 500 - 700 xe máy, tại ga Yên Nghĩa sẽ gửi xe trong bến xe Yên Nghĩa.

Tuy nhiên, lãnh đạo Metro Hanoi cũng nêu vấn đề: “Tàu Cát Linh - Hà Đông bản chất là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, cũng tương tự như xe buýt, người dân sử dụng để giảm việc phải sử dụng xe cá nhân. Như xe buýt hiện nay các bến xe có chỗ gửi xe máy đâu nhưng người dân vẫn đi. Xe buýt không có sao đi tàu Cát Linh - Hà Đông lại cần gửi xe máy để đi?”.

Nêu lại câu chuyện một người quen đã lựa chọn tàu Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện đi làm, ông Trường cho biết, mỗi ngày cả đi và về người này đi hết 3,5 km nhưng rất vui vẻ coi như thay cho việc đi bộ tập thể dục.

Cũng theo ông Trường, người dân cần hình thành dần thói quen đi bộ. “Với những người nhà cách ga khoảng 500 m đến 1 km có thể đi bộ ra ga, nếu xa hơn người dân nên đi xe buýt để tới ga. Chỉ một tuyến đường sắt đô thị không thể giải quyết căn cơ được toàn bộ vấn đề, song nó là sự khởi đầu và nỗ lực của thành phố trong việc phát triển giao thông công cộng. Chúng tôi cũng đã cố gắng triển khai các giải pháp để đảm bảo chạy tàu an toàn và thu hút đông người dân đi tàu. Nhưng muốn thành công thì cần người dân phải thay đổi thói quen, đặc biệt là hình thành văn hoá đi bộ”, ông Trường nói.

Sau khi kết thúc thời gian chạy thử, giá vé sẽ là 7.000 đồng/lượt (giá mở cửa), theo chặng là 8.000 - 15.000 đồng/lượt. Giá vé ngày là 30.000 đồng. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000 đồng/người, có định danh là 100.000 đồng/người). Người được miễn phí đi xe buýt cũng sẽ được miễn phí khi đi tàu.

Những tuyến xe buýt nào kết nối với Cát Linh - Hà Đông?

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), để phục vụ kết nối giữa hệ thống vận tải hành khách công công bằng xe buýt với tuyến Cát Linh - Hà Đông, Sở GTVT đã có phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách.

Cụ thể, đến nay đã điều chỉnh lộ trình 6 tuyến buýt, mở mới 5 tuyến buýt kết nối với các ga của tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông. Việc triển khai phương án kết nối được thực hiện trên lộ trình cơ sở phương án được duyệt, đến thời điểm này mới triển khai được một phần và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Đã có 53 tuyến xe buýt hoạt động dọc hành lang tuyến Cát Linh - Hà Đông, kết nối với các ga đầu cuối và ga dọc tuyến. Dự kiến đến khi triển khai xong phương án kết nối, sẽ có 59 tuyến buýt kết nối với 12 nhà ga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.