Đề tham khảo môn lịch sử không còn những câu hỏi chi tiết vụn vặt

26/01/2018 15:18 GMT+7

Đề tham khảo môn lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là có thêm câu hỏi khó, bỏ được những câu hỏi phải ghi nhớ những sự việc chi tiết, vụn vặt.

Nhận xét về đề thi tham khảo môn lịch sử mà Bộ Giáo dục - Đào tạo mới công bố, bà Đặng Thị Ngọc Tú, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho rằng đề thi đề cập khá toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đối ngoại và quan hệ quốc tế. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
20 câu hỏi đầu nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, trong đó có 12 câu ở mức “nhận biết” (câu dễ) và 8 câu ở mức “thông hiểu” (tương đối dễ), chiếm 50% tổng số câu trong đề thi. Với học lực trung bình và trung bình khá, các thí sinh đều dễ dàng hoàn thành phần này và đạt điểm tối đa là 5/10, phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT. Với những thí sinh khá, giỏi có thể hoàn thành phần này trong thời gian không quá 25 phút.
20 câu còn lại là những câu hỏi có tính phân loại, đòi hỏi khả năng “vận dụng” (tương đối khó) và “vận dụng cao” (khó), phục vụ cho việc xét tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng. Như vậy, một học sinh khá có thể đạt được điểm tối đa là 7/10. 3 điểm còn lại sẽ dành cho học sinh giỏi.
Đề thi có tính phân loại rõ rệt, đảm bảo đánh giá chính xác năng lực của người học. Trong đề thi không có câu nào nhằm vào những chi tiết vụn vặt. Điều đó có nghĩa là học sinh không phải học vẹt, nhớ nguyên văn từng chữ, từng chi tiết như sách giáo khoa, nhưng vẫn đạt kết quả tốt. Đề thi không phải là sự thách đố đối với học sinh, mà vì sự tiến bộ của học sinh, khuyến khích học sinh vươn lên học tốt, phát huy năng lực tự học, tự phấn đấu, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, trả đúng công của người học, phân loại được trình độ của thí sinh.
Những câu ở mức “vận dụng” và “vận dụng cao” nhằm đánh giá năng lực tư duy (nhất là tư duy ngôn ngữ, tư duy so sánh, tư duy logic, tư duy hệ thống, tư duy phân tích tổng hợp…). Để làm tốt những câu này, thí sinh cần dành thời gian tự giải trình trong tư duy để có thể loại bỏ những phương án không phù hợp và lựa chọn phương án đúng. Thí sinh hoàn toàn yên tâm rằng môn lịch sử không phải là môn học “chỉ cần thuộc lòng” như một số người nhầm tưởng.
Bà Trần Thu Nga, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định), nhận định sự phân bố kiến thức trong đề thi vẫn theo tỷ lệ lịch sử thế giới 30% và lịch sử Việt Nam 70%. Các câu hỏi không chỉ đơn thuần hỏi về lịch sử chiến tranh mà còn hỏi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.
Các câu hỏi ở phần lịch sử Việt Nam dàn đều các cấp độ và gần như bao phủ các câu hỏi ở cấp độ khó, độ phức tạp và khả năng gây nhiễu cao, đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức đơn thuần về một sự kiện mà phải hiểu sự kiện, có khả năng tổng hợp, phân tích, so sánh để giải quyết vấn đề của đề bài đưa ra.
Theo bà Nga, dù trong đề thi có nhiều câu hỏi chỉ cần thuộc bài, nhưng không phải môn lịch sử chỉ là một môn học thuộc lòng. Bên cạnh những câu chỉ yêu cầu trí nhớ, sự hiểu biết, có những câu đòi hỏi năng lực tư duy để thí sinh mặc dù không viết ra lập luận của mình trong bài làm nhưng để tìm ra phương án trả lời đúng, vẫn buộc phải thực hiện thao tác tư duy, tức là phải tự lập luận và giải trình trong não bộ để khẳng định phương án đúng, loại trừ phương án sai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.