Đề xuất dùng Facebook để phổ biến lịch sử

10/12/2017 19:28 GMT+7

Tại diễn đàn Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra vào chiều 10.12, các đại biểu đã thẳng thắn đề xuất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch nhiều vấn đề "nóng".

Ngoài các đại biểu được lựa chọn về dự Đại hội tham gia diễn đàn, còn có sự chủ trì, tham dự của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Trịnh Thị Thủy; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa. Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa.

Tận dụng mạng xã hội để quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Đoàn Than Quảng Ninh, phản ánh nhiều trang mạng xã hội như Facebook có những bài viết, clip về văn hóa, lịch sử nước ngoài, trong khi đó lại rất thiếu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Theo anh Quyết, hiện nay, giới trẻ thường sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, nên cũng cần phải nghĩ đến việc dùng mạng xã hội để giúp “dân ta phải biết sử ta”.

Anh Quyết đề xuất, mỗi dịp kỷ niệm, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chỉ cần thực hiện một clip về lịch sử thật cô đọng, súc tích, gần gũi là có thể tạo hiệu ứng trong giới trẻ.

Nhiều người trẻ không biết mặc trang phục dân tộc mình

Trong số 19 tham luận được gửi đến diễn đàn, đáng chú ý có tham luận của đại biểu Đỗ Hà Văn, Phó bí thư Thành đoàn Hà Giang, với chủ đề Thanh niên Hà Giang với việc giữ gìn và phát huy bản sắc của 22 dân tộc với nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống.

Anh Đỗ Hà Văn cho biết: “Không khó để thấy có rất nhiều bạn trẻ là người dân tộc nhưng lại không có trang phục truyền thống của dân tộc mình, hoặc có nhưng rất ít mặc, thậm chí nhiều người còn không biết mặc đúng cách, những trang phục có nhiều chi tiết khó như cách thắt u của dân tộc Nùng U, quấn Sà Cạp chân của người H’Mông, cuốn khăn đầu của người Dao…”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ có trang phục nhưng chất liệu vải không đúng truyền thống, thay vào đó là sử dụng vải công nghiệp với họa tiết, màu sắc sặc sỡ, hay tối giản đi những chi tiết điểm nhấn, những họa tiết đặc trưng của dân tộc. Làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống.

“Diện tích trồng các cây lấy sợi (bông, lanh) để may mặc đang ngày một thu hẹp. Dụng cụ để dệt vải như khung cửi hiện còn rất ít, nhiều gia đình có nhưng không sử dụng được. Cộng thêm sự du nhập của nhiều loại vải công nghiệp, rẻ tiền, dễ mua; các loại quần áo may sẵn tiện lợi… dẫn đến may mặc truyền thống bị bỏ quên”, anh Hà Văn lý giải.

Không thể phủ nhận sự phát triển của du lịch đã mang lại nhiều lợi ích cho Hà Giang, nhưng theo anh Hà Văn, điều đó cũng lại tác động ngược trở lại. “Với sự phát triển của du lịch, sự thuận lợi trong phát triển thương mại, dịch vụ; xuất khẩu lao động,… thu nhập cho người dân được nâng lên và họ quay trở lại kiến thiết nhà cửa. Tuy nhiên, chính sự kiến thiết này lại vô tình phá vỡ đi những nét văn hóa truyền thống, thậm chí du nhập các mẫu nhà từ nước ngoài. Nhiều hộ kinh doanh loại hình homestay nhưng lại đầu tư, bê tông hóa quá nhiều, nhiều điểm không còn đúng với văn hóa truyền thống”, anh Văn bày tỏ.

dai-hoi-doan
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Phương, Bí thư Thành đoàn Lào Cai Ảnh Lưu Quang Phổ

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc còn chưa được chú trọng ngay trong nhiều gia đình. Anh Đỗ Hà Văn cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ không hướng dẫn, dạy cho con cái về ẩm thực, trang phục truyền thống, văn hóa thờ cúng,… mà chỉ tập trung vào công việc hoặc chỉ cho con chú trọng vào học văn hóa tại nhà trường”.

Anh Đỗ Hà Văn cũng đưa ra một số đề xuất như cần thực hiện triệt để và toàn diện hơn việc đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học; có cơ chế để khuyến khích sản xuất lại trang phục truyền thống của các dân tộc như hỗ trợ dụng cụ, xúc tiến thương mại; có cơ chế để khuyến khích đoàn viên, thanh niên hăng hái hơn nữa, sẵng sàng tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, anh Văn cũng đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần phối hợp với T.Ư Đoàn và một số đơn vị liên quan có những chính sách khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp từ chính việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như kinh doanh du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đào tạo các nghệ nhân dân gian….

Dai-hoi-doan
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện lắng nghe các đề xuất của các đại biểu Ảnh Lưu Quang Phổ

Tại Lào Cai, thời gian qua Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động như thành lập các câu lạc bộ văn nghệ - trò chơi bản sắc của thanh niên; giao lưu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm của thanh niên hai đơn vị về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; tổ chức kết nạp đoàn viên mới theo cụm điểm tại các địa chỉ đỏ; phát huy hiệu quả thông tin tuyên truyền trên nhiều lênh như mạng xã hội, các trang báo đài, hệ thống loa phát thanh, bảng tin tại các xã, phường, thị trấn…

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Phương, Bí thư Thành đoàn Lào Cai, có một số khó khăn trong việc triển khai các hoạt động như trong đó chế độ, chính sách, nhân tố con người (nghệ nhân) chưa được quan tâm…

Học cùng di sản và trải nghiệm thực tế

Đại biểu Nguyễn Phương Ngọc, Ủy viên Ban chấp hành quận Đoàn Cầu Giấy (Hà Nội), Bí thư đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng không có nhiều các đoàn viên hiểu, biết và làm lan tỏa các di tích lịch sử có giá trị về văn hóa và du lịch ngay của địa phương mình.

Chị Ngọc đề xuất mô hình Học cùng di sản và trải nghiệm thực tế có thể áp dụng trong các trường trung học, cho đến cao đẳng, đại học.

Cụ thể, theo chị Ngọc, đối với trường trung học phổ thông, cấp đoàn trường có thể chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường kết hợp với ban phụ huynh, từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai thông qua môn học lịch sử, giáo dục công dân với chủ đề Học cùng di sản và trải nghiệm thực tế; giáo viên bộ môn lịch sử và giáo dục công dân nghiên cứu lịch sử địa phương, từ đó lập kế hoạch và giao nhiệm vụ cho học sinh.

Dai-hoi-Doan
Đại biểu đến từ Đắk Lắk chia sẻ ý kiến trong diễn đàn Ảnh Lưu Quang Phổ

Đối với cấp chi đoàn, theo chị Ngọc, ban chấp hành có thể lên kế hoạch tổ chức thảo luận qua yêu cầu của giáo viên, thống nhất, điều tra các địa chỉ và xây dựng kế hoạch, thời gian thực hiện. Cụ thể là đặt chỉ tiêu 1 năm tự tổ chức tìm hiểu, tham quan, học tập trải nghiệm.

Tại các trường cao đẳng, đại học, mô hình này có thể được triển khai trong các môn học chung như kinh tế chính trị, triết học, lịch sử Đảng… với những hoạt động thực tiễn giao cho sinh viên nếu nội dung học có liên quan đến các bảo tàng, di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.

Nhiều trường học hiện cũng đang áp dụng mô hình này, ty nhiên gặp phải một số khó khăn, trong đó có vấn đề kinh phí. Chị Ngọc đề xuất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch xem xét một số các giải pháp như Các công ty du lịch có thể giảm giá vận tải cho học sinh và sinh viên khi đơn vị đó tổ chức các buổi tham quan trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, các khu di tích miễn phí vé vào cửa cho các đơn vị, cho các học sinh sinh viên khi có giấy giới thiệu học sinh sinh viên đi học và trải nghiệm của các trường.

Ngoài ra, chị Ngọc cũng cho rằng, cần chú ý đến việc chương trình học tập của các đơn vị có thu hút được học sinh tham gia không, lãnh đạo trường có ủng hộ không, giáo viên có phát huy được khả năng sáng tạo trong việc tổ chức cho học sinh không… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.