Tăng cường vận dụng kiến thức, hạn chế lấy điểm nhờ may mắn
Thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM), phân tích đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn toán được chia thành 3 phần, đây là sự khác biệt so với các đề thi trước đây vốn chỉ bao gồm phần trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Trong đó, phần 1-Trắc nghiệm nhiều lựa chọn: Gồm 12 câu chủ yếu xoay quanh công thức và kiến thức cơ bản, trong đó kiến thức lớp 11 chiếm tỷ lệ 25%.
Phần 2- Trắc nghiệm đúng sai: Đây là phần mới và tăng cường mức độ khó khi yêu cầu thí sinh phải nhận diện được nội dung câu trả lời mà đề thi nêu ra là đúng hay sai. Phần này gồm 4 câu, trong đó 1 câu liên quan đến lượng giác lớp 11 và 3 câu là bài toán thực tiễn liên quan đến xác suất và các môn khoa học. Điều này yêu cầu thí sinh hiểu sâu về lý thuyết và khả năng giải quyết vấn đề.
Phần 3- Trắc nghiệm trả lời ngắn: Đây là phần khó nhất và có tính phân loại cao nhất, giúp tránh sự "đánh lụi" của thí sinh. Phần này bao gồm cả các loại toán tư duy logic và kiến thức của lớp 10, 11. Các bài toán trong phần này không chỉ đòi hỏi kiến thức toán học vững chắc mà còn yêu cầu khả năng phân tích, tư duy logic và ứng dụng lý thuyết vào bài toán thực tiễn. So với các đề thi trước đây, phần 3 là bước thay đổi với nhiều bài toán thực tế và đòi hỏi sự linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề. Đây là sự chuẩn bị tốt cho học sinh trong việc ứng dụng toán học vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống và công việc.
Hạn chế các khả năng khoanh bừa, dùng mẹo khi làm bài trắc nghiệm
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có một số điểm đặc biệt về dạng thức câu hỏi, theo đó các phương pháp học để bám sát và trả lời tốt các câu hỏi theo các dạng thức cũng cần được quan tâm lưu ý.
Đa dạng về dạng thức câu hỏi, các dạng câu hỏi trong đề thi gồm: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; Câu hỏi trắc nghiệm đúng sai; Câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn.
Câu hỏi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (gồm 18 câu tương ứng 4,5 điểm): là dạng thức đã được áp dụng nhiều năm trước, thí sinh đã quen thuộc, thí sinh chọn một phương án trong bốn phương án A, B, C, D.
Câu hỏi trắc nghiệm đúng sai (4 câu tương ứng 4,0 điểm): là dạng thức mới, thí sinh cần chú ý và làm quen; mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với mỗi ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kỹ năng phân tích, tổng hợp để suy luận các ý trả lời đúng/sai,…
Câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn (6 câu tương ứng 1,5 điểm): là dạng thức mới, thí sinh cần chú ý và làm quen, cẩn thận trong cách trả lời và ghi câu trả lời; dạng này có nội dung trả lời ngắn theo yêu cầu của câu hỏi, được đánh giá thông qua kết quả mà thí sinh phải tính toán và điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực tính toán, nắm vững kiến thức, kỹ năng đọc hiểu và phân tích,…
Đề thi tham khảo thể hiện được tính phân hóa, phát triển đa dạng năng lực của thí sinh, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Với sự đa dạng về các dạng thức, đặc biệt với câu hỏi trắc nghiệm đúng sai và câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn sẽ hạn chế các khả năng khoanh bừa, dùng mẹo của thí sinh.
Thạc sĩ Trần Ngọc Anh, giáo viên Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM)
Với đề tham khảo môn toán, giáo viên Nguyễn Tiến Trúc, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM), nhận xét đề tham khảo môn toán có nhiều câu hỏi vận dụng toán học vào thực tiễn nên muốn đạt điểm cao thí sinh phải có năng lực mô hình hóa toán học tốt. Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT có tính phân hóa cao, hạn chế khả năng có điểm nhờ may mắn của thí sinh, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP.HCM) nhận xét: Đề tham khảo môn hóa học nhìn chung đã có chuyển biến rõ rệt từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực ở 3 năng lực đặc thù môn của môn học: Nhận thức hóa học; Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học; Vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.
Các câu hỏi trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT được dàn trải nội dung cả 3 khối 10, 11, 12 đều mang bản chất hóa học và chỉ khi cả thầy và trò học đúng - làm trúng theo yêu cầu cần đạt của chương trình quy định thì mới có thể xử lý và giải quyết được trọn vẹn đề thi.
Các câu hỏi trong đề minh họa hầu hết đều gắn với bối cảnh có ý nghĩa thực tế, gần gũi với học sinh. Các em vận dụng kiến thức và năng lực được học để xử lý và giải quyết các câu hỏi từ mức độ biết đến hiểu và vận dụng.
Đặc biệt đề tham khảo môn hóa học đã hạn chế câu tính toán phức tạp mà không có ý nghĩa, thay vào đó những bài tập hóa học đều gắn liền với thực tiễn đời sống, sản xuất, giúp phân hóa sâu, tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Còn giáo viên dạy vật lý tại quận Tân Phú thì cho hay, cấu trúc đề tham khảo môn vật lý tập trung vào kiến thức lớp 12, chỉ có 1 hoặc 2 câu lý thuyết lớp 10, 11. Qua các câu hỏi cho thấy xu hướng ra đề sẽ tập trung nhiều hơn vào bản chất vật lý đi kèm trong các thí nghiệm và kiến thức thực tế.
Theo giáo viên này thì dù đề không có nhiều các câu hỏi của chương 1, lớp 12 và đây chỉ là đề minh họa nhưng học sinh vẫn phải chuẩn bị tốt kiến thức chương 1 lớp 12.
"Đề minh họa cho ta thấy cái nhìn tổng quan về cấu trúc đề thi, chưa thể đánh giá về mức độ khó hay dễ của đề thi thật. Về phía học sinh cần chủ động ôn tập, các bài thực hành cần hiểu rõ phương pháp tiến hành thí nghiệm, không nên học tủ", giáo viên vật lý trên nói.
Từ nay, sẽ chấm dứt triệt để tình trạng đoán tác phẩm, đoán đề
Đề tham khảo môn văn lần 2 của Bộ GD-ĐT hay nhưng khó hơn so với đề tham khảo lần 1. Một số đồng nghiệp của tôi cũng hơi lo lắng sau khi đọc đề.
Đọc sơ qua có thể thấy đề có vẻ nhẹ nhàng nhưng học sinh vẫn nhận định là khá khó với mình. Tôi vừa cho học sinh đọc đề tham khảo và các bạn dù học khá môn ngữ văn nhưng vẫn lo lắng nhất là câu viết đoạn nghị luận văn học khá khó lường.
Đề kiểu mới sẽ hạn chế tối đa việc học tủ, triệt tiêu việc học theo văn mẫu hay đoán đề.
Cụ thể, phần đọc hiểu có 5 câu hỏi theo 3 mức độ: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng. Phần viết (tạo lập văn bản) cũng chia thành 2 phần: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội nhưng có sự đảo ngược so với đề kiểu cũ là viết đoạn nghị luận văn học và viết bài nghị luận xã hội.
Ở phần đọc hiểu, đề chọn 1 bài thơ hiện đại và các câu hỏi xoáy vào đặc trưng của thơ và nội dung bài thơ. Câu hỏi không dễ. Các câu hỏi đặt ra không hề đơn giản mà khá khó ở câu 3 và câu 4. Học sinh phải vững tri thức ngữ văn và cảm hiểu tốt mới làm đúng được những câu này.
Ở phần viết, nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số (chỉ còn 2 điểm trong khi kiểu đề cũ là 5 điểm) vì đã có phần kiểm tra kiến thức tri thức ngữ văn về thể loại ở đọc hiểu và yêu cầu phần này cũng bám vào cả nội dung và đặc trưng thể loại trong một tác phẩm cụ thể.
Phần nghị luận xã hội chỉ cần học sinh có nhận thức về các vấn đề xã hội và kỹ năng viết thì dễ dàng giải quyết được yêu cầu của đề. Vấn đề lựa chọn phù hợp lứa tuổi 18, phù hợp bối cảnh xã hội đương đại. Vấn đề trí tuệ nhân tạo cũng khá "hot" và được học sinh quan tâm để ý, gắn liền với tuổi trẻ.
Tôi cho rằng, đề minh họa môn ngữ văn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2018.
Điều dễ nhận thấy nhất là các yêu cầu của đề bám sát yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại của chương trình mới.
Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, kiểm tra được toàn bộ kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết. Từ nay, sẽ chấm dứt triệt để tình trạng đoán tác phẩm, đoán đề.
Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM)
Không thể học máy móc sự kiện, số liệu
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), nói rằng đề tham khảo môn lịch sử gồm có 2 phần: Phần 1- Trắc nghiện chọn đáp án đúng (24 câu); Phần 2 Trắc nghiệm đúng sai (4 câu). Cấu trúc này sẽ gây khó khăn cho thí sinh khi phần 2 có tới 4 câu hỏi và số điểm được quy định khá khắt khe để thí sinh có thể có điểm tuyệt đối ở từng câu.
Nội dung kiến thức câu hỏi nằm xuyên suốt trong các chủ đề lịch sử của lớp 11 (4 câu) và lớp 12 ( 20 câu/24). Phần 2 nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình lịch sử 12 nhưng không lấy nguồn tư liệu từ bất kỳ bộ sách giáo khoa nào nên yêu cầu học sinh phải nắm vững các kiến thức cơ bản trong quá trình học. Vận dụng tư duy để giải các câu hỏi. Hình thức khá phong phú đa dạng ở phần 2 khi có những câu hỏi lấy tiền đề là bảng tư liệu, đoạn tư liệu.
Thầy Du cho rằng: "Đề sẽ là cú sốc lớn đối với những giáo viên đã quen với hình thức giảng dạy cũ lấy việc ghi nhớ sự kiện làm trọng tâm. Đề có sự phân hóa tốt hướng tới đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh".
Bình luận (0)