Ngoài đáp ứng tiêu chí giảm áp lực và tốn kém, kỳ thi năm nay cần cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA KỲ THI TỐT NGHIỆP NĂM 2025
Kỳ thi năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau (hiện có 3 bộ SGK). Việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; đề thi không dựa vào SGK mà căn cứ vào chương trình giáo dục. Kỳ thi này đánh dấu một mốc thay đổi rất lớn, lần đầu tiên đánh giá học sinh (HS) về phẩm chất và năng lực cần đạt. Đây được coi như là định hướng mang tính triết lý mới của giáo dục VN: đào tạo con người VN phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, phát huy cao nhất về khả năng, năng khiếu của từng cá nhân.
Kỳ thi năm 2024 có 6 môn thi, trong đó toán, ngữ văn, ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc, HS tự chọn tổ hợp môn để thi giữa khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) với 4 buổi thi.
Kỳ thi năm 2025 có 4 môn thi gồm toán, ngữ văn thi bắt buộc, HS tự chọn thêm 2 môn trong các môn (ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật). Trong đó tin học và công nghệ là 2 môn thi mới. Thí sinh (TS) có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định có thể đăng ký miễn thi môn này nhưng không được tính điểm 10.
NGỮ LIỆU RA ĐỀ THI KHÔNG CÓ TRONG MỘT BỘ SGK NÀO
Ở kỳ thi năm 2024, ngữ văn thi bài tự luận, còn các môn khác thi trắc nghiệm khách quan. Phạm vi ra đề là chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; Yêu cầu cần đạt là chuẩn kiến thức, kỹ năng gắn với từng môn học; Ngữ liệu sử dụng để ra đề thi chủ yếu dựa vào SGK đã sử dụng chung; Môn ngữ văn gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm); Đề thi trắc nghiệm có số câu tùy theo môn và chỉ một dạng trắc nghiệm có nhiều lựa chọn (4 lựa chọn); số điểm mỗi câu bằng 10 chia đều cho tổng số câu.
Đến kỳ thi năm 2025, một thay đổi rất lớn là ngữ liệu sử dụng ra đề thi không có trong một bộ SGK nào. Môn ngữ văn thi tự luận lấy ngữ liệu ngoài SGK, gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm), viết (6 điểm).
Các môn thi trắc nghiệm, đề có 3 phần: Phần 1 của đề thi là dạng trắc nghiệm có nhiều lựa chọn (4 phương thức, chọn 1); mỗi câu đúng được 0,25 điểm. Phần 2 là lựa chọn đúng sai; mỗi câu hỏi trong dạng này có 4 ý, TS lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm. Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng trả lời ngắn; TS phải tự đưa ra đáp án chứ không có đáp án sẵn để chọn; đây là phần gần với cách thức thi tự luận, TS phải tư duy, lập luận.
Đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT công bố năm 2023 thể hiện yêu cầu mới (đánh giá năng lực), đề tự luận cũng như trắc nghiệm theo định dạng mới.
XÉT TỐT NGHIỆP THEO HƯỚNG TĂNG TỶ LỆ ĐIỂM HỌC BẠ
Với kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ trung bình điểm học bạ 3 năm THPT tham gia điểm xét tốt nghiệp lên 50%. Điều này đồng bộ giữa đánh giá HS theo quy định mới về đánh giá HS THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, kết quả tốt nghiệp THPT cũng kết hợp giữa đánh giá quá trình (3 năm học) với đánh giá tổng kết (thi tốt nghiệp cuối cấp). Đồng thời, kết quả thi đảm bảo đủ tin cậy và phân hóa HS để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Tuy nhiên, theo tinh thần tự chủ, các trường ĐH đã và đang xây dựng phương án tuyển sinh đa dạng các phương thức, trong đó có tuyển sinh sớm bằng điểm học bạ và thi đánh giá năng lực, xu hướng giảm tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp.
Đa dạng phương thức xét tuyển giúp nhà trường có thêm sự lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn với đặc điểm ngành nghề đào tạo. TS cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường. Tuy nhiên, liệu điều này có đi ngược lại chủ trương của Bộ GD-ĐT là giảm việc tuyển sinh sớm tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông và tăng chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào điểm thi để đảm bảo tính công bằng cho HS ở các vùng khó khăn - không có điều kiện để thi đánh giá năng lực?
GIẢI PHÁP CHUẨN BỊ SỚM CHO KỲ THI NĂM 2025
Để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2025, Bộ GD-ĐT đã có những bước chuẩn bị như: công bố phương án thi 2+2 (2 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn); công bố 17 đề thi minh họa để các nhà trường định hướng giảng dạy và ôn luyện cho HS lớp 12; ấn định ngày thi sớm là ngày 26 - 27.6.2024; tập huấn xây dựng đề kiểm tra, thi theo định dạng mới của Bộ cho cán bộ và giáo viên... Đồng thời, yêu cầu các trường ĐH xây dựng và công bố sớm phương án tuyển sinh năm 2025.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt kết quả tốt nhất, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, ngành giáo dục và các địa phương, cơ sở giáo dục có HS cấp THPT cần tuyên truyền, phổ biến cho xã hội, phụ huynh, HS biết được chủ trương đổi mới kỳ thi THPT năm 2025, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Các trường ĐH sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025, trong đó công khai minh bạch chỉ tiêu tuyển sinh theo các phương thức khác nhau, đưa môn tin học và công nghệ vào tổ hợp xét tuyển.
Sở GD-ĐT chủ trì, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên THPT về thiết kế đề thi theo định dạng mới, yêu cầu mới và xây dựng ngân hàng đề thi toàn tỉnh. Kiểm tra cuối học kỳ 2 theo đề thi chung của sở, trường sắp xếp phòng thi theo từng nhóm môn, theo từng trường tập dượt như mô hình thi tốt nghiệp THPT.
Các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX tổ chức khảo sát nguyện vọng HS về đăng ký chọn tổ hợp thi tốt nghiệp, sắp xếp lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định dạng đề thi mới. Giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng HS nói chung, đặc biệt ôn, luyện thi cho HS lớp 12.
Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách tham khảo, tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để giúp HS chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, khả năng và điều kiện gia đình để học lên đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện phân luồng HS sau THPT để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 40-45% HS sau THPT tham gia học nghề để giảm áp lực vào các trường ĐH.
Cần có giải pháp hỗ trợ đặc biệt cho các vùng bị bão lũ
Bộ GD-ĐT cần có giải pháp hỗ trợ đặc biệt cho các vùng bị cơn bão số 3 (bão Yagi) tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nặng đến giáo dục. Thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần 100% các địa phương Đông Nam bộ, ĐBSCL đều tụt hạng trung bình điểm thi so với năm 2021.
Bình luận (0)